TopTruyenHayNhat.Com

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Người Tìm Xác
Chương 239: Thôn dân lý cương

Thế mà Tôn Bằng Phi không hề sợ hãi chút nào, anh ta còn an ủi Lưu Lan: “Yên tâm đi, một lát nữa chúng tôi để lều của cô ở giữa, có nhiều người đàn ông bảo vệ cho cô như vậy, cô còn sợ gì nữa!”

Sau khi bàn bạc qua, chúng tôi lái xe vào thôn Thái Bình…

Ở cửa thôn có một cái di tích của đền thờ, Lưu Lan nói mình nghe đồng nghiệp kể, đây là đền thờ được dựng lên để tôn vinh một liệt nữ trinh tiết. Đến lúc nổ ra cải cách văn hóa, nó bị các thanh thiếu niên phá đi, nên chỉ còn lại hai cây cột.

Xuyên qua di tích của đền thờ trinh tiết, chúng tôi đi vào bên trong thôn Thái Bình, phần lớn các căn nhà trong thôn đều là gạch thô, có một số ít ngôi nhà được xây bằng gạch ngói, hẳn là được xây từ trước khi giải phóng, không có nhiều nhà giàu có.

Lúc này trời đã sắp tối, chúng tôi đi tới căn nhà lớn nhất, định dựng lều ở trong ngủ tạm, nhưng khi Tôn Bằng Phi đẩy cổng bước vào thì thấy, trước mặt mình là một thanh niên trẻ tuổi, khiến mọi người đều giật mình!

Chúng tôi chẳng thể ngờ còn gặp được người sống ở đây, thế là cả lũ đều hoảng cả lên. Đối phương lấy lại bình tĩnh xong thì nhìn chúng tôi, tỏ vẻ cảnh giác hỏi: “Các người là ai? Đến thôn chúng tôi có chuyện gì vậy?”

Thôn chúng tôi? Chẳng lẽ anh ta là người từng ở trong thôn? Tôi vội mỉm cười: “Chúng tôi được người nhờ vả, đến đây để tìm kiếm mộ tổ tiên, anh là người trong thôn này à?”

Người thanh niên kia gật đầu: “Tôi là nhóm người cuối cùng rời khỏi thôn, thỉnh thoảng sẽ quay trở lại đây thăm nhà cửa, quê quán cũ, dù sao tôi ở đây cũng nhiều năm rồi, ít nhiều gì cũng có tình cảm.”

Tôi nhìn ra phía sau anh ta, thấy bên trong đã có một cái lều nhỏ màu vàng, xem ra tối nay anh ta cũng dự định ở lại đây! Đúng là tới sớm không bằng tới đúng lúc, gặp được người dân cũ của thôn này, càng giúp tôi dễ dàng hỏi thăm một số chuyện trong thôn.

Người thanh niên nói mình tên là Lý Cương, vừa rồi anh ta cũng định đi ra ngoài nhặt ít củi về nhóm lửa. Thế là tôi và Đinh Nhất xung phong nhận việc, đi cùng với anh ta.

Chúng tôi vừa đi nhặt, vừa tán gẫu, Lý Cương nói hàng năm cứ đến mùa này anh ta lại quay về thăm lại nhà và thôn cũ, hôm nay trở về còn muốn khảo sát cẩn thận, xem có thể phát triển nó thành một khu du lịch, để các du khách đến đây ăn chơi được không.

Tôi giật mình nói: “Cái gì? Không phải nơi này rất tà môn à? Anh lại còn dám tới đây mở khu du lịch?”

Lý Cương cười nói: “Cậu không hiểu, người trẻ tuổi bây giờ đều rất hiếu kỳ, càng là chỗ cổ quái kỳ lạ, họ càng thích. Chỉ cần tôi sửa sang nơi này lại một chút, chắc chắn sẽ có người đến chơi! Còn những cái truyền thuyết dọa người kia, vừa đúng lúc trở thành chiêu bài …”

Tôi không nghĩ anh chàng Lý Cương này lại có lá gan lớn thế, cảm thấy hơi phục anh ta: “Anh thật là, chẳng lẽ anh không sợ cái truyền thuyết dọa người kia à?”

Nhưng Lý Cương lại tỏ vẻ không quan trọng, và nói: “Tôi lớn lên từ nhỏ ở chỗ này, làm gì có nhiều truyền thuyết đáng sợ như vậy! Thôn này đúng là có nhiều người chết thật, nhưng nơi nào mà chẳng có người chết chứ? Trong lịch sử mấy nghìn năm của Trung Quốc, có chiến tranh nào mà không chết một đống người? Nếu họ đều biến thành quỷ cả, thì chắc cái đất Trung Quốc này quỷ còn nhiều hơn người mất!”

Dù tôi thấy anh ta nói thế chỉ là ngụy biện, nhưng lúc này lại chẳng biết phản bác ra sao, tôi đành phải cúi đầu tiếp tục kiếm củi đốt. Đến khi chúng tôi quay trở lại căn nhà kia, mấy người Tôn Bằng Phi đã dựng xong hết lều vải rồi.

Lý Cương đặt mấy cành củi xuống đất, chuyên nghiệp tạo lửa, đốt ra một đống lửa. Lý Lan cũng lấy ấm nước ở trên xe xuống, để chúng tôi đun nước nóng.

Lúc này tôi mới cẩn thận quan sát căn nhà này, đây là loại nhà cũ có ba gian, xuyên qua phòng chính chắc là còn sân sau và phòng trong nữa, không biết năm xưa là nhân vật nào ở trong căn nhà này!

Lý Cương thấy tôi nhìn ngó tứ tung, đánh giá căn nhà, anh ta đứng dậy đến ngồi bên cạnh tôi, cười nói: “Cậu có biết ban đầu nơi này cho ai sống không?”

Tôi thấy anh ta hỏi như vậy, chắc hẳn là hiểu biết rất rõ về nơi này! Tôi vội vàng hỏi: “Ai vậy? Địa chủ à? Hay là quan lại về hưu?”

Lý Cương lắc đầu: “Đều không phải, chủ nhân ban đầu của nơi này là một Tiết cử nhân, người đó đức cao vọng trọng, một người rất có uy tín ở thôn.”

“Sau đó thì sao?” Tôi biết những chuyện xưa như vậy thường có đoạn sau.

Lý Cương làm ra vẻ mặt thần bí, nói tiếp: “Truyền thuyết sau này có kể lại, năm ông ấy 60 tuổi có lấy một cô vợ bé nhỏ hơn mình 40 tuổi. Nghe nói vị cô vợ bé này rất xinh đẹp, là hoa khôi nức tiếng gần xa trong huyện.”

Tôi chen lời: “Cái gì? Vị cử nhân này già rồi mà còn thích lưu luyến bụi hoa, đi lấy một cô gái lầu xanh à?”

Lý Cương dùng cái gậy gỗ trong tay cời lửa, sau đó nói tiếp: “Cũng không hẳn là như thế, sau đó không bao lâu nhà họ xảy ra chuyện. Lúc ấy trong nhà vị Tiết cử nhân này có một vợ cả, hai vợ bé, lại cưới cô hoa khôi này vào cửa thành dì Ba. Nhà có nhiều đàn bà tất nhiên là có chuyện, mấy người đàn bà này ngày nào cũng đánh nhau, náo loạn cả lên, làm Tiết cử nhân bỏ lên huyện không thèm về nữa.”

Lý Cương nói đến đây thì mở ba lô của mình lấy ra mấy gói cà phê hòa tan, sau đó hỏi tôi: “Cậu uống không?”

Tôi xua tay: “Tối mà uống cái này là em không ngủ được, anh uống đi! Rồi kể tiếp.”

Lý Cương thấy tôi sốt ruột muốn biết đoạn sau, bèn vừa pha cà phê vừa nói tiếp…

Vị Tiết cử nhân kia vừa đi, mấy người đàn bà kia cũng không đánh nhau nữa, nhưng lại nảy sinh vấn đề khác. Tiết cử nhân là người chồng duy nhất trong nhà, ông ta vừa đi, để lại mấy bà vợ bé trẻ đẹp trong nhà, một thời gian dài chắc chắn sẽ xảy ra chuyện.

Quả nhiên, chẳng bao lâu, dì Hai tằng tịu với một người làm công lâu năm trong nhà. Dì Hai này xuất thân từ con hát, lúc đó mới hơn 30 tuổi, vẫn còn rất quyến rũ, mà lại còn đang trong độ tuổi sung sức nữa. Mấy lần đầu họ hẹn hò không có ai phát hiện ra, sau đó có một lần vào nửa đêm, bị dì Ba bắt gặp!

Dì Hai này dù sao cũng lớn tuổi hơn, lòng dạ sâu hơn, bà ta vì sợ dì Ba nói cho mọi người biết chuyện nên quay lại vu khống cho dì Ba, nói cô ấy tằng tịu với một gã trai ất ơ nào đấy. Lúc ấy trong nhà, dì Ba là người mới, bị mọi người đố kỵ và xa lánh, cho nên bà Cả tất nhiên phải tin lời của dì Hai.

Nghe được tin báo, Tiết cử nhân kia chạy từ trên huyện về ngay trong đêm. Khi ông ta nghe mấy người đàn bà trong nhà mình cùng thêm mắm thêm muối nói dì Ba tằng tịu với người khác như thế nào, rồi bị dì Hai bắt được, thì giận sôi lên!

Đọc truyện chữ Full