Rốt cuộc vẫn không có cách nào giữ được lương thực, Tả Thiếu Dương uể oải chống nạng đứng dậy, Bạch Chỉ Hàn đỡ y tới phòng bào chế:
- Thiếu gia ngồi một lúc, Chỉ Nhi đi pha nước.
Tả Thiếu Dương xua tay:
- Thôi không cần đâu, cô bị thương đừng làm, mà tâm tình ta không tốt, chẳng muốn ngâm chân, chỉ muốn ngủ sớm thôi.
Bạch Chỉ Hàn cũng không nói nhiều, đi lên cầu thang, tạm thời nàng ngủ ở giường của y, được một lúc nghe Tả Thiếu Dương hỏi vọng lên:
- Chỉ Nhi, Bi Vàng vẫn chưa về à?
Nhìn sang cái ổ lót vải bông tơ, thường ngày có một con sóc lông dầy mềm mượt, đôi mắt to lém lỉnh nằm ở đó, tai hay giọng lên nghe ngóng người ta nói chuyện, cứ như hiểu được tiếng người vậy, giờ không thấy đâu, Bạch Chỉ Hàn đưa tay sờ thử, lạnh ngắt:
- Thiếu gia, Bi Vàng chưa về.
- Ừm.
Tả Thiếu Dương ngồi thất thần, bỗng dưng y cô đơn quạnh quẽ tới muốn khóc, từ hôm qua không thấy Bi Vàng về nhà, không lo nó bị làm sao, nó ranh lắm, nhưng bây giờ nó không cần mình nữa rồi, rất có thể nó đang nhảy nhót ve vản con sóc cái nào đó chăng? Nghĩ thế Tả Thiếu Dương càng thấy mình như đứa trẻ bị bỏ rơi.
Vậy là người duy nhất mà Tả Thiếu Dương có thể tâm sự cũng không còn, đúng hôm y cần người giãi bày chia sẻ nhất.
Tả Thiếu Dương ngồi mất một lúc cởi áo đi ngủ, vì bị thương, thành ra hơi chật vật, gọi là áo nhưng nó dài tới tận cổ chân, vừa mới cởi được áo ngoài thì nghe có cái gì đó rơi "cạnh" một tiếng xuống sàn, y vội cúi xuống nhặt, may mà không bị vỡ, chính là ngọc bội nho nhỏ màu trắng, trông hết sức bình thường, chỉ có một sọc vân đỏ chạy giữa thân.
Nhìn cái ngọc bội, nhớ tới lời dặn của Tiêu Vân Phi, bất giác trong lòng sáng lên, Tả Thiếu Dương gấp rút mặc áo vào, đi tới cầu thang dặn:
- Chỉ Nhi, ta phải ra ngoài một chút, đừng nói với lão gia và thái thái.
- Thiếu gia bị thương như vậy, để Chi Nhi đi cùng ...
Bạch Chỉ Hàn nhổm dậy cúi xuống, đêm hôm khuya khoắt thế này y còn muốn đi đâu:
- Không cần, mình ta là được, đừng hỏi gì cả.
Tả Thiếu Dương cương quyết nói, dứt lời là chống quải trượng tập tễnh đi ra bếp, nhẹ nhàng mở cửa sau.
Tuyết mù mịt trời đất, dưới chân tuyết tích đã tới mắt cá chân rồi, gió lạnh thổi ù ù qua cái ngõ nhỏ, như có con yêu tinh nào đó nấp trong bóng đêm thổi loa phép vậy.
Tầm nhìn phía trước rất thấp, chừng mười bước chân thôi là không thấy gì nữa, dù Tả Thiếu Dương mặc áo tơ dầy, vẫn cứ lạnh thấu xương, tay tê cứng, lại chẳng thể cho vào người ủ, cúi thấp đầu tránh gió tuyết thốc vào mặt, chống quải trượng gian nan tiến từng bước,.
Vừa đi vừa nghe động tĩnh, tim đập như trống trận, gió tuyết quá lớn, binh sĩ ở trạm canh đầu ngõ đều đi tránh gió rồi, mà họ còn ở đó thì cũng chẳng lo họ nhìn thấy được, Tả Thiếu Dương chỉ sợ bắt gặp binh sĩ tuần tra thôi, đêm khuya, thời tiết lại khắc nghiệt như thế, y còn bị thương, nếu bắt gặp giải thích thế nào cũng khó thông.
Từ bếp Tả gia đi về phía trái, ở bên kia đường là cổng chính của Cù gia, cái cổng không phải ở chính giữa mà lệch về phía trái, đi vài bước là qua, ở gần đầu ngõ có một khoảng đất trống, có cây mai đỏ, cánh hoa đã bị mưa gió thổi rụng gần hết, hoa dưới chân cũng bị tuyết chôn vùn, sau cái cây có giếng nước, đây là mục tiêu đầu tiên của Tả Thiếu Dương.
Cái giếng này khô từ lâu rồi, theo lời cha y kể thì phải ba bốn năm trước, bây giờ chẳng còn ai nhớ tới nó nữa, sàn đá đã bị cỏ dại phủ kín, Tả Thiếu Dương khó nhọc tới nơi, phải chống trượng thở một lúc mới có sức nhìn xuống giếng, miệng giếng rộng gấp đôi cái giếng mà y hay lấy nước ở bên sông, thành giếng lại không cao bằng, ngó đầu nhìn xuống đó thấy tối om om.
Tả Thiếu Dương nhặt một cục đá ném xuống giếng, sau đó nghiêng tai lắng nghe, không thấy gì hết, có thể là gió to quá, hoặc cũng có thể là lớp tuyết tích dưới đáy giếng quá dày. Tả Thiếu Dương lấy một viên đá lớn hơn, nặng tới mức mà y không đủ sức nhấc lên để ném, chỉ có thể đặt ở thành giếng đẩy xuống, lần này nghe “bụp” một cái, vậy tức là …. Là sao nhỉ? Là sâu hay không sâu, hình như không sâu lắm, song rốt cuộc bao nhiêu thì chịu, Tả Thiếu Dương gãi đầu gãi tai, thật vô nghĩa, y không giỏi môn vật lý cho lắm, tiếp tục hành trình, chùa Thanh Phong.
Chùa Thanh Phong chẳng có hương hỏa gì cả, chẳng những cũ nát còn bẩn nữa, sư cái chùa này lười chẩy thây, chẳng bao giờ quét dọn gì cả, Tả Thiếu Dương đi qua cái cổng chưa bao giờ đóng, thấy thiện phòng còn có ánh sáng, thở dốc bước lên thềm đá, gõ cửa.
- Cửa không đóng, vào đi.
Người bên trong cũng chẳng thèm hỏi là ai đã bảo vào rồi.
Tả Thiếu Dương đẩy cửa, gió lạnh ùa vào phòng, bên trong vốn tờ mờ, gió làm ngọt đèn như muốn tắt, nó không tắt mà chợt sáng lên, thấy được trong thiện phòng có một cái bàn gỗ đã nứt mấy đường dài, trên đó đặt cái đèn dầu, ngọn lửa bé như hạt đỗ lay lắt trong gió, sát tường có một cái giường cứng, một cái gối gỗ, cuối giường chăn vải sắn gấp gọn gàng, một lão tăng ngồi khoanh chân giữa giường, mắt nhắm chặt, nếp nhăn chằng chịt, chẳng phân biệt đâu là mắt đâu là nếp nhăn nữa, hàng mi chữ bát trắng phau phau kéo dài tới tận nửa má, tăng bào trên người bẩn như cái giẻ lau phòng ăn, vá chằng vá đụp.
Tả Thiếu Dương đâm nghi ngờ, hay Tiêu Vân Phi viết nhầm, gần đây còn có cái chùa khác là chùa Long Tuyền, bề thế hơn hẳn, cái chùa này trông chả hề giống đã từng được ông ta cứu tế, dù vậy vẫn đứng nghiêm, chắp tay nói:
- Dám hỏi pháp hiệu của đại sư là?
Môi lưỡi của y vẫn sưng, giọng nói thành ra rất buồn cười.
Vị lão tăng niệm một tiếng phật hiệu, giọng không lớn nhưng kể cả bên tai gió tuyết ù ù, Tả Thiếu Dương vẫn nghe rõ ràng:
- A di đà phật, lão nạp Trí Không.
Vậy là đúng người rồi, Tả Thiếu Dương mừng rỡ, tập tễnh chống quải trượng đi tới, khom người thi lễ:
- Thì ra phương trượng đại sư, ta có một vị lão ca, để lại tấm ngoc bội, nói với ta nếu gặp chuyện không giải quyết được thì tới chùa Thanh Phong tìm ngài.
Nói rồi mò vào trong lòng lấy ngọc bội ra.
Trí Không vươn bàn tay gầy như bộ xương khô ra, nhận lấy ngọc bội, liếc một cái trả lại:
- Thí chủ là tiểu lang trung của Quý Chi Đường?
Tả Thiếu Dương ngạc nhiên:
- Phương trượng đại sư biết ta sao?
- Thí chủ hay tới tiểu tự dạo chơi, lại là hàng xóm, sao lại không biết? Hơn nữa vị lão ca đó của thí chủ trước khi đi đã phó thác lão nạp chiến cố các vị, Tả thì chủ coi như có duyên với Phật môn. Không biết nửa đêm thì chủ đội tuyết tới đây tìm lão nạp có gì cần giúp?
Tả Thiếu Dương thấy chuyện này quá đường đột, hai bên vốn không quen nhau, lại đi nhờ một việc thế này, cảm giác khó mở miệng, song không còn cách nào khác:
- Đại sư, thật không dám dấu, để vượt qua lần binh hoang đói kém này, ta đã dốc toàn bộ tiền bạc mua lương thực, thế nhưng hôm nay quan quân ...
- Lão nạp biết rồi.
Trí Không thấy y ngập ngừng, nói tiếp luôn:
- Thì chủ muốn nhờ lão nạp giúp dấu số lương thực này phải không?
- Chuyện này, ta cũng biết làm khó nhà chùa, chỉ .. chỉ muốn hỏi đại sư có cách nào giúp được không? Nếu đại sư thấy khó xử, ta không ép. Cùng lắm ta đem bán lương thực cho quan binh như mọi người cũng được, không muốn nhà chùa gặp nguy hiểm.
Trí Không khẽ gật đầu mỉm cười, nói ngắn gọn:
- Lão nạp đã nhận lời Tiêu thí chú, không thể không giúp, lương thực ở đâu?
- Ở dưới hầm nhà ta.
- Dẫn lão nạp đi.
Trí Không dứt lời đứng dậy, bấy giờ Tả Thiếu Dương mới nhận ra ông ta rất cao, mình chỉ đứng tới mang tai, động tác nhanh nhẹn, không rõ ông ta đứng dậy thế nào nữa, cứ như cái lò sò, bật một phát là thẳng lên rồi:
- Đại sư, nên mời thêm vài vị đại sư khác giúp chứ? Số lương thực đó hơi nhiều.
- Loại chuyện này càng ít người biết càng tốt, đi thôi.