TopTruyenHayNhat.Com

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Cầu Xin Anh Từ Hôn Đi
Chương 66

Nói đến cũng thực trùng hợp, thời điểm La Phi và Tịch Yến Thanh đến nơi, thợ mộc nhỏ cũng vừa ị đùn xong, hai cha của nó đang lúi húi thay tã, hương thơm nồng nàn còn chưa tiêu tán. Lúc này La Phi và Tịch Yến Thanh góp thêm chiếc tã của Tiểu Hổ, khắp căn buồng tràn ngập mùi phân khiến La Phi suýt ngất.

Hai đứa nhỏ thì hay rồi, ị đùn xong là đòi ăn, chúng chẳng quan tâm trong buồng thơm hay thối, hai cái miệng chúm chím ăn sữa đến là ngon lành.

La Phi bội phục sát đất: "Thanh ca cho con ăn nhé, dù sao cũng tới đây rồi, ta đi xem mấy món đồ gỗ."

Đồ đạc được kê gọn ở nơi khô ráo thoáng mát, lớp sơn bên ngoài còn chưa khô hẳn. Hàn Húc cũng muốn ra ngoài hóng gió chốc lát nên giao đứa nhỏ cho Trần Hoa Chương, chính mình thì đưa La Phi tới kho cất đồ.

Nhà của Trần Hoa Chương rất rộng, hàng ngày hắn phải cất trữ gỗ củi, phơi đồ mới đóng xong, cho nên tiền viện nhà bọn họ có thể coi là rộng nhất thôn Hoa Bình. Trong viện còn xây thêm một gian nhà kho cũng khá lớn để cất trữ gỗ vụn.

La Phi nhìn đống đồ gỗ Trần Hoa Chương mới đóng cho y, ba phòng ngủ đều có tủ quần áo, phòng ngủ chính đóng một tủ lớn, hai phòng còn lại cần hai tủ nhỏ. Còn có tủ bát kê trong phòng bếp và một án thư. Trước kia Tịch Yến Thanh và La Phi đều viết chữ và vẽ tranh trên giường hoặc bàn ăn, lần này bọn họ đặt đóng một cái án thư đủ rộng để bày bút mực giấy. Đi kèm với án thư là một chiếc ghế dựa cùng kiểu dáng và hoa văn, thoạt nhìn gọn gàng và chuyên nghiệp vô cùng.

Tịch Yến Thanh nghe xong miêu tả của La Phi thì quyết định nhờ Trần Hoa Chương chọn gỗ màu nhạt một chút, cho nên toàn bộ đồ đạc trong nhà đều là màu gỗ nhạt. Tuy trong mắt người cổ đại, gỗ sậm mới là biểu tượng của các gia tộc quyền quý, nhưng La Phi cảm thấy dùng gỗ nhạt sẽ khiến căn phòng sáng sủa hơn.

Vốn nơi này cũng chưa có đèn điện, chưa có các chất liệu trong suốt như thủy tinh, pha lê,... nên trong nhà thường xuyên thiếu ánh sáng, thứ gì có thể đóng bằng gỗ nhạt màu liền đóng tất cả bằng gỗ nhạt màu.

"Lúc đại lão hổ nhà ngươi nói với mộc tượng huynh nhà ta phải đóng đồ bằng gỗ nhạt màu, ta còn hỏi mộc tượng huynh liệu thành phẩm có đẹp mắt không, hiện tại nhìn cũng ra gì phết. Hơn nữa cũng khá chắc chắn." Nếu không phải gia cụ trong nhà đều mới đóng ngày thành thân, Hàn Húc cũng muốn đổi một bộ mới. Tủ kia còn có thanh treo đồ, cất y phục không sợ bị nhăn, ở dưới có thêm ngăn kéo nhỏ để cất đồ linh tinh không sợ bừa bộn.

"Mấy hôm nữa còn phải nhờ mộc tượng huynh nhà ngươi làm thêm vài chiếc móc treo. Dùng để phơi y phục mới giặt xong." Bằng không cứ vắt lên hàng rào, mỗi lần khô đều nhàu nhĩ và nhăn nhúm, muốn vuốt phẳng cũng khó. Tuy rằng bọn họ ở nông thôn, đa số thời điểm đều phải lao động chân tay nhưng y vẫn muốn quần áo của mình sạch sẽ phẳng phiu. Nếu không thực lãng phí dáng người của Tịch Yến Thanh, một giá treo đồ di động ngon nghẻ thế cơ mà!

"Thế nào?" Tịch Yến Thanh ôm Tiểu Hổ bước ra, phía sau còn có Trần Hoa Chương ôm Tiểu Mộc Tượng.

"Đẹp lắm, ta rất thích." La Phi cười nói: "Mộc tượng huynh vất vả rồi."

"Là ta nên cảm ơn Yến Thanh mới đúng." Trần Hoa Chương cảm kích từ đáy lòng: "Nếu không có bản vẽ do Tịch Yến Thanh đưa tới, ta không thể làm ra những thứ này được. Năm sau ta sẽ dùng những bản vẽ này giới thiệu cho những vị khách khác." Các loại gia cụ sẽ có mẫu mã thay đổi theo từng năm, mọi người đều rất hiếu kì với những thiết kế độc đáo, nếu chúng còn có nhiều tác dụng thì hẳn là sẽ rất đắt khách. Muốn phát triển kinh doanh cần có những ý tưởng mới, không thể đi theo lối mòn mãi được.

"Các ngươi định khi nào thì chuyển sang nhà mới?" Hàn Húc hỏi.

"Giờ đã cất xong rồi, nhưng phải đợi hong khô một thời gian. Mặt khác còn phải đào hầm chứa băng, phía tây còn phải xây một gian nhà kho." Tịch Yến Thanh nói: "Dự tính phải trung tuần tháng sau mới có thể chuyển tới."

"Cũng không tệ, đến lúc đó chúng ta sẽ ở gần nhau hơn, Nhị Bảo cũng tiện sang chơi với ta. Dạo này chỉ loanh quanh ở nhà với đứa nhỏ, chán muốn chết." Hàn Húc nói: "Ai nha Nhị Bảo, ngươi nói xem chúng ta có nên định hôn từ nhỏ cho hai đứa trẻ không?"

"Được!" La Phi nói: "Có điều ngươi nói xem, chẳng may khi trưởng thành hai đứa nhỏ không hài lòng thì làm thế nào?" Tuy nơi này chủ yếu là những gia đình có quen biết từ trước mới định hôn từ nhỏ cho con cháu trong nhà, đề phòng trường hợp đứa nhỏ lớn lên không tìm được mối nhân duyên thích hợp. Nhưng lỡ Tiểu Hổ không vui thì sao? Hoặc là Tiểu Mộc Tượng không vừa ý?

"Năm mười sáu tuổi không thành thân coi như hủy mối hôn này, để chúng tự tìm ý trung nhân của mình, cứ tùy duyên mà thôi." Hàn Húc nói: "Chúng ta đều như vậy mà không phải sao? Ta cảm thấy như vậy rất tốt."

"Thanh ca ngươi thấy thế nào?" La Phi không dám tự quyết định việc này, người gieo mầm còn đang ở đây mà.

"Ta cũng cảm thấy rất tốt." Tịch Yến Thanh nói: "Lần sau chúng ta sẽ mang tín vật tới."

"Được, chuẩn bị tín vật thôi." La Phi bế Tiểu Hổ: "Chúng ta về trước nhé, hôm nay là lần đầu tiên cho Tiểu Hổ ra ngoài chơi, đi cũng khá lâu rồi." La Phi có chút lo lắng cho sức khỏe đứa nhỏ, nhỡ chẳng may nó bị trúng gió hay gì đó...

"Ừm các ngươi về thong thả nhé." Hàn Húc và Trần Hoa Chương tiễn khách ra cổng, nghĩ đến việc bọn họ sắp chuyển tới gần đây, tâm tình Hàn Húc cũng trở nên phấn khởi hơn.

Trên đường về La Phi muốn bàn thêm về chuyện định hôn cho Tiểu Hổ, y hỏi Tịch Yến Thanh: "Thanh ca, anh thấy định hôn cho con từ nhỏ có ổn không?"

Tịch Yến Thanh nói: "Việc gì cũng có lợi và hại, không thể nói chắc chắn. Nhưng tục lệ nơi này là thế, hơn nữa so với việc sau này dựng vợ gả chồng với một người xa lạ, ngày ngày đối mặt với một người không quen biết, tôi cảm thấy kết hôn với thanh mai trúc mã sẽ có lợi hơn, ít nhất đó là người mà chúng ta hiểu rõ." Tịch Yến Thanh ghé sát tai La Phi: "Em đặt tay lên ngực tự hỏi đi, nếu lúc trước em không biết tôi đã xuyên vào thân thể Tịch Dục, liệu em có dám gả sang Tịch gia không?"

Có dám không? La Phi tự hỏi chính mình.

Đương nhiên là không rồi, đáp án quá rõ ràng.

Một người không cùng thời đại với mình, không cùng quan điểm sống với mình, làm sao có thể sống chung cả đời? Ngẫm lại cũng thấy hoang đường. Nếu thực sự phải gả cho nguyên chủ Tịch Dục, y sẽ không chỉ gây náo loạn một hồi mà sẽ dùng cả tính mạng để phản kháng.

Cũng may đó lại là Tịch Yến Thanh.

Tuy rằng ban đầu y và Tịch Yến Thanh là tình địch, nhưng tốt xấu gì y cũng hiểu rõ nhân phẩm người này. Còn có, đời sống và hệ tư tưởng của bọn họ có sự đồng điệu, thực lòng mà nói bọn họ rất có tiếng nói chung.

Đúng vậy, cũng may là anh.

La Phi dịu dàng kéo cánh tay Tịch Yến Thanh--- lúc này hắn đang ôm Tiểu Hổ trước ngực, góc chăn bị lật ra để lộ gương mặt phúng phính đang say giấc nồng của nhóc con, tên nhóc thúi này đã ngủ ngon lành.

"Tề ca, rõ ràng hai ngươi rời đi trước, sao lại về nhà sau cả chúng ta thế?" Lạc Dũng về đến nơi thấy cổng khóa ngoài thì nóng ruột vô cùng, lúc này Tịch Yến Thanh và La Phi vừa vặn xuất hiện, hắn cười hỏi: "Hai người đi đâu vậy?"

"Giữa đường tên nhóc này ị đùn, sợ nó khó chịu nên rẽ vào nhà Trần Hoa Chương thay tã mới cho nó. Đại ca xong việc ngoài đồng chưa?" Tịch Yến Thanh hỏi.

"Xong xuôi cả rồi, La đại ca nói ngày mai không cần ra đồng nữa."

"Vừa rồi thím béo nhờ ta báo với hai người một tiếng, gà con đã đủ cứng cáp rồi." Cảnh Dung nói: "Khi nào chúng ta sang bắt đây?"

"Hôm nay muộn rồi, để mai đi. Lát nữa trên đường về hai người vào báo với thím một câu nhé." Tịch Yến Thanh đã nói trước với thím béo, năm nay hắn muốn mua nhiều gà con một chút nên thím béo để lại rất nhiều trứng cho gà mái ấp, ngay cả trứng vịt cũng để lại nhiều hơn mọi năm. Tịch Yến Thanh quyết định năm nay sẽ mua thêm cả gà lẫn vịt.

"Mua nhiều gà con thế làm gì có chỗ mà nuôi?" Lạc Dũng hỏi.

"Tạm thời cứ thả ở vườn nhà ta đi. Các ngươi cũng đang bận rộn nhiều việc, không có thời gian chăm sóc chúng." Đừng thấy Lạc Dũng và Cảnh Dung không có ruộng mà nghĩ bọn họ rảnh rang, chỉ riêng chăn đàn dê gần năm mươi con này cũng đủ bận hết ngày, chưa kể vườn rau sau nhà cần phải tưới và bón hàng ngày, nước tưới lại phải múc lên từ giếng, mảnh vườn rộng như vậy, để tưới hết tất cả các cây không phải việc nhẹ nhàng.

"Ta nghe thím béo nói năm nay còn có ngỗng, Tịch ca muốn nuôi ngỗng không?" Cảnh Dung nói.

"Có cả ngỗng à? Mua chứ! Trứng ngỗng rất bổ, ta phải mua mấy con mới được." Tịch Yến Thanh ngẫm lại: "Thôi để từ từ rồi tính." Tuy La Phi sinh Tiểu Hổ đủ ngày đủ tháng nên không mất quá nhiều máu, nhưng dù sao sức khỏe y cũng suy yếu phần nào, Tịch Yến Thanh vẫn muốn tẩm bổ cho y thật nhiều. Trứng ngỗng là thức ăn bổ khí bổ máu hàng đầu, có thể nuôi ngỗng lấy trứng thì quá tốt. Ngoài ra bọn họ có thể làm cả trứng muối.

Bữa tối La Phi ăn nốt chỗ mì thái tay còn thừa từ trưa, chưng thêm rất nhiều bánh bao, còn húp sạch hai bát cháo đậu. Cháo nhà khác thường rất loãng, chủ yếu là nước vì gạo là loại lương thực xa xỉ, nhưng La Phi luôn nấu cháo đặc sánh, nêm nếm vừa miệng, ăn một miếng liền không thể kìm chế mà múc thêm một bát.

Lạc Dũng và Cảnh Dung cũng ăn uống no nê, trước khi rời đi không quên cầm theo bánh bao mà La Phi gói sẵn để làm bữa sáng hôm sau. Bánh bao chưng mới rất cầu kì, cháo thì đơn giản hơn nên bọn họ có thể tự nấu, mang về thêm chút dưa muối là có một bữa sáng đầy đủ.

Sáng hôm sau, trời đổ cơn mưa rào đầu hạ, Tịch Yến Thanh nhìn thời tiết không thuận lợi để đi bắt gà vịt nên quyết định ở nhà, hắn tự đóng thêm vài cái chuồng, còn thiết kế cả mái che nắng mưa rất tiện lợi.

Tranh thủ Tiểu Hổ còn chưa tỉnh, La Phi rời giường chọn một ít mầm đậu để trồng giá.

Món rau trộn tương bỏ thêm giá đỗ rất thích hợp. Dùng để nấu canh ăn giải nhiệt mùa hè cũng tốt.

"Thanh ca, anh ăn thử cơm trộn giá đỗ chưa?" La Phi đang ngâm đậu đột nhiên nhớ ra gì đó bèn quay sang hỏi Tịch Yến Thanh.

"Chưa, món gì cơ? Giá đỗ trộn với cơm sao?"

"Cũng gần như thế. Lúc nấu cơm bỏ thêm giá đỗ vào gạo, đợi gạo và giá đỗ cùng chín thì bỏ thêm thịt băm, xì dầu, đường, tỏi giã và dầu vừng là thành món cơm trộn. Trước kia bà ngoại hay nấu cho em ăn, em thích lắm, hôm nào anh ăn thử xem sao."

"Ừm. Bây giờ em nấu cái gì tôi cũng thấy ngon." Tịch Yến Thanh nói: "Thật lòng mà nói, tôi cảm thấy mình quá may mắn khi lấy được em, nếu không sẽ chẳng có ngày hôm nay." Đối với một người từng được nếm nhiều món ngon mà nói, quanh năm ăn bánh bao kẹp dưa muối và khoai tây sợi quả là một sự tra tấn.

Những gia tộc quyền quý như Thạch Thích còn đỡ, nguyên liệu nấu ăn phong phú, hương vị cũng đa dạng. Nhưng ở nông thôn mọi người đều sống đạm bạc, đủ ăn qua ngày đã là niềm hạnh phúc. Nào có ai như La Phi, sau khi được La Như dạy nấu ăn cơ bản, y tự mày mò ra rất nhiều món ăn độc đáo.

Nơi này không có sẵn nguyên vật liệu nấu ăn, nhưng chỉ cần có điều kiện La Phi sẽ không ngừng sáng tạo món mới.

Tịch Yến Thanh cảm thấy sẽ có một ngày bọn họ rời khỏi chốn thôn quê này, mở một tiệm ăn đắt khách và sống no đủ tới cuối đời.

La Phi có ngoại hình đẹp mắt, tốt bụng lương thiện, có tay nghề may vá, hiện giờ còn là một đầu bếp đại tài. Tịch Yến Thanh cảm thấy La Phi chính là người bạn đời lý tưởng có một không hai.

Là một bảo bối hiếm có khó tìm!

Lúc này La Phi vẫn đang ngồi lúi húi chọn đậu, Tịch Yến Thanh không nhịn được mà nhẹ chân nhẹ tay bước tới, hôn chụt một cái lên má vợ yêu.

"Cái gì đấy?" La Phi giật mình sờ lên mặt.

"Iu em." Tịch Yến Thanh nói xong thì cười cười, quay đầu ra sân tiếp tục công việc.

"Thanh ca!" Lúc này La Phi mới kịp phản ứng lại, y vừa thẹn vừa buồn cười la lên: "Em cũng iu anh."

"Ừ biết rồi." Tịch Yến Thanh đang đóng chuồng gà, hắn cảm thấy trong người nóng hừng hực.

"Hai cái đứa này, đã thành thân hơn một năm mà vẫn sến sẩm thế nhỉ." Chu đại nương đứng bên hàng rào cười nói: "Không sợ Tiểu Hổ nghe thấy cười vào mặt sao?"

"Hahaha, nó chưa nghe hiểu được đâu." La Phi bê cái mẹt ra cửa vui vẻ đáp lời: "Đúng rồi Chu đại nương, năm nay bà có mua gà con nữa không?"

"Năm nay thôi, gà trong nhà đẻ trứng đủ ăn rồi, nuôi thêm vài năm nữa cũng ổn. Chắc hai năm nữa ta mới mua đàn mới. Sao thế? Hai đứa lại mua thêm à?"

"Vâng, năm nay nhà cháu lại mua thêm một đàn mới." Bọn họ chỉ nuôi một con gà trống để báo thức mỗi sáng, năm nay sẽ tậu thêm vài con.

"Mua nhiều cũng tốt, chịu khó làm lụng sau này đỡ vất vả." Chu đại nương cười hiền hậu.

La Phi nhìn Tịch Yến Thanh đang đóng chuồng gà, y rửa sạch đậu mầm rồi ngâm nước, đợi Tịch Yến Thanh xong việc liền cầm bộ đồ mới cho hắn thay.

Đổi xong quần áo, Tịch Yến Thanh nhìn sắc trời nói: "Có lẽ chiều nay sẽ tạnh, lát nữa ăn cơm xong nếu trời quang tôi phải đi chọn gà con."

"Nhiều như vậy anh có đi một mình được không?"

"Không đâu, sao có thể đi một mình được." Tịch Yến Thanh nói xong thì nhìn ra cổng, quả nhiên đã có người tới.

"Tề ca, đây là hai bao bột." Cảnh Dung và Lạc Dũng mỗi người vác một bao bột trên vai bước vào nhà, bọn họ thả xuống rồi nói: "Hai chúng ta không ăn chùa mãi được, đây là phí ăn uống, bọn ta nộp cho huynh."

"Chậc, các ngươi giúp bọn ta làm việc ngoài ruộng ngoài vườn, đấy không phải trả công sao, khách khí quá!" La Phi thực sự không phải người quá tính toán, y chỉ chi li với tùy người mà thôi. Lạc Dũng và Cảnh Dung có thể coi là huynh đệ ruột thịt của Tịch Yến Thanh, cho nên y không để bụng chuyện ăn uống.

"Có gì mà khách khí, khách khí thì đâu dám tới đây cọ cơm nữa." Cảnh Dung cười cười: "Vạn đại ca vẫn thường xuống đây mua dê, ta nhờ ông ta mua giúp hai bao bột loại ngon. Ta và Lạc Dũng đều vụng về khoản nấu nướng, đã làm phiền Tịch ca và tề ca một thời gian dài như vậy, mà nếu giao bạc cho hai người e là quá thô lỗ."

"Rồi rồi rồi, hai người vác vào buồng nhỏ giúp ta, lần sau đừng phiền phức như vậy nhé. Đều là người một nhà, khách khí cái gì nữa." La Phi nói: "Ngồi đây chờ lát, hôm nay ta chiêu đãi món bánh bột mì áp chảo."

"Lát nữa ăn xong chúng ta cùng đi chọn gà con." Tịch Yến Thanh nói: "Lần trước ta đã gửi thím béo chút bạc làm cọc, ta nói sẽ lấy hai trăm con mái. Hiện giờ với số lượng kem bán ra mỗi ngày thế này, xem ra hai trăm con cũng không đủ lấy trứng. Hai người có tính toán mua thêm mấy con không? Thím béo năm nay cho ấp rất nhiều, mà giống cũng tốt, đặc biệt là rất nhiều gà mái."

"Ta e là không được." Cảnh Dung thẳng thắn nói: "Lần trước đi xem dê ta cảm thấy giống ấy không tốt bằng giống dê hiện tại đang nuôi, cho nên ta định về quê mua thêm. Hiện giờ trong tay ta, trừ bạc để xây nhà, chỉ còn đủ để mua khoảng hai mươi con dê cái nữa mà thôi."

"Vậy để ta đi xem sao. Thực ra ta cũng muốn mua mấy con gà." Lạc Dũng bấm đốt tay tính toán, hắn còn đủ bạc để cất nhà, đóng đồ gỗ, làm lễ thành thân, ngoài ra cũng không dư dả gì. Nhưng tiền làm ăn lớn hắn không có, tiền để mua mấy con gà con có lẽ vẫn đủ, cứ như vậy sang năm sẽ có trứng gà để thu hoạch, cũng là một cách làm ăn không tồi.

Ba người chụm đầu tính toán một hồi, sau khi ăn no món bánh của La Phi mới rời nhà.

Thím béo sợ không kịp nên sáng sớm đã ra vườn phân loại trống mái. Lúc này Tịch Yến Thanh đến chỉ cần giao bạc là có thể nhặt gà về.

Tịch Yến Thanh mua hai trăm con gà mái, Lạc Dũng hỏi thăm thím béo biết bà còn lại tám mươi ba con gà mái thì quyết định giao bạc mua nốt. Ngoài ra hắn còn mua thêm mười bảy con gà trống, tổng cộng một đàn vừa tròn trăm con.

Gà trống chủ yếu để lấy thịt, Tịch Yến Thanh mua mười con, sau đó lấy thêm mười con ngỗng và hai mươi con vịt. Xong xuôi đâu đó, cả ba cùng ra về. Hai người hì hục khiêng một cái thúng kết bằng rơm đựng hơn ba trăm con gà con, một người đi sau lùa đàn ngỗng vịt ba mươi con.

Từ đó về sau, mỗi ngày của La Phi đều lặp đi lặp lại như vậy...

Trên lưng cõng Tiểu Hổ, vịt ngỗng lùa phía trước, gà con lon ton phía sau.

Đọc truyện chữ Full