"Em nghĩ chúng mình không thể tiếp tục nữa." Người phụ nữ rút khăn giấy chặm vết kem trên bờ môi mọng sau khi xơi đĩa bánh waffles trái cây, vắt chéo chân trong chiếc váy quây cúp ngực màu tím, ngữ khí nhạt thếch: "Hãy giải thoát cho nhau."
Phó Yến còn chưa kịp ăn xong đĩa của mình thì đã phải dừng lại.
Để lấp đầy sự hẫng hụt, anh vói tay rút ra một điếu thuốc trong túi áo, song chỉ ngậm chứ không châm lửa, một lúc sau mới đáp: "Ừ, em."
"Gửi lời xin lỗi của em đến mẹ anh, em biết bác đã rất mong chờ chúng mình thành đôi." Cô mở túi xách định thanh toán phần ăn của mình.
Phó Yến nhẹ nhàng cắt lời: "Đừng, vẫn để anh.
Coi như là đền bù thời gian của em."
"Em sẽ bắt taxi." Người phụ nữ thả ví về, cài túi, vuốt gấu váy đứng lên: "Em chúc anh tìm được người thích hợp hơn."
"Em cũng vậy." Phó Yến gật đầu mỉm cười, đôi mắt đăm đăm nhìn họa tiết ca rô trên khăn trải bàn như muốn đếm xem có bao nhiêu ô vuông một hồi lâu, sau khi tiếng giày cao gót tắt hẳn.
Nam phục vụ gần đó bước lại rót lửng ly rượu trước mặt anh, thông cảm nói: "Ít ra cô ấy cũng nên để anh ăn xong, giờ thì sao nuốt nổi nữa nhỉ?"
Anh gượng cười nâng ly vang đỏ cụng vào chai rượu phát ra tiếng đinh trong trẻo, dốc cạn dòng chất lỏng óng ả xuống cổ họng, đứng dậy thanh toán rồi rời khỏi nhà hàng.
Phó Yến vắt măng tô lên cánh tay, cô đơn đứng tựa vào con xe mới cóng của mình châm lửa điếu thuốc ngậm trên môi.
Anh xem đồng hồ, mới hơn tám giờ tối, thầm nghĩ: cai thuốc thất bại rồi.
Đúng năm phút thì anh tắt thuốc, móc hộp nhẫn cấn trong túi quần tây suốt hai tiếng, mở cửa xe ném nó lên ghế phụ cùng với áo khoác.
Khởi động xe đi về nhà.
Nói không buồn chính là nói dối.
Phó Yến đã rất nghiêm túc trong một năm vừa qua.
Tuy tình cảm giữa anh với bạn gái - nay là bạn gái cũ - vẫn luôn lửng lơ, như bọt biển thăng trầm trên làn sóng, nhưng vì đã đạt được sự hòa hợp khi ở chung nên anh cũng thực lòng mong muốn tiến xa hơn.
Kết hôn thì nên tìm đối tượng hòa hợp mà.
Anh đã qua cái tuổi nếm trải kích thích mạnh trong tình yêu rồi.
Thật ra Phó Yến còn có chút giận, cô ấy nói trễ quá.
Mới hôm kia cô ngồi trên bàn ăn vạch ra thời gian biểu bếp núc trong cuộc sống tương lai với anh, thế mà tối nay cũng trên bàn ăn, cô ấy không chờ anh ăn xong thì đã buông lời tạ từ.
Chán đời thật.
Giữa chừng anh đổi ý, quẹo tay lái đi trả nhẫn rồi lại đốt điếu thuốc thứ hai.
Gió ven bờ kênh đẫm hơi lạnh nên Phó Yến về xe lấy áo khoác mặc vào, đi dạo trên cây cầu Pháp kiểu cổ.
Anh xếp tay trên thành cầu nghịch khói thuốc, những bụi lửa còn đỏ từ tàn thuốc rơi xuống mặt nước như sao sa, ngón tay nhịp theo tiếng nhạc từ quán ăn vặt gần đó.
Bỗng có tiếng gọi, "Anh đẹp trai kia!"
Phó Yến giật mình, dụi thuốc tìm kiếm chủ nhân giọng nói.
Ở quán ăn vặt kia có một phông nền dựng cây hoa anh đào nở rộ và giăng dây đèn, một chàng trai ngồi trên ghế quầy bar ôm guitar tối màu.
Tóc cậu ta hơi dài, chạm đến dái tai, một chân đạp lên ghế, một chân duỗi thẳng ra, nhìn kiểu gì cũng như cố tình khoe dáng.
Phó Yến đang không hiểu chi thì cậu ta nói tiếp: "Tôi gọi anh đấy! Đúng là anh đấy! Ban nãy tôi thấy anh lái con xe sang rồi nhé! Nói cho tôi nghe, điều gì khiến một người vừa đẹp trai vừa có tiền như anh phải buồn nào? Các quý cô lương thiện trước mặt tôi sắp vì khuôn mặt ủ ê của anh mà đau lòng gần chết rồi!"
Các cô gái cười khúc khích, có cô vươn tay đánh vào đùi cậu ta, vừa lén lút vừa công khai quay đầu nhìn Phó Yến.
Anh đút tay vào túi măng tô, hỏi lại: "Tại sao tôi phải cho cậu biết?"
"Vì tôi có thể làm cho anh vui lên!" Cậu chàng tự tin vỗ ngực, rút chân đạp lên ghế, gảy guitar: "Mà tôi biết tỏng rồi, đã có sắc, có tiền thì chỉ buồn tình thôi chứ gì? Tôi là nhà soạn tình ca, dù anh có tuyệt vọng với tình yêu thế nào thì tôi cũng có thể làm cho anh muốn yêu đương!"
Nói rồi chàng trai cất tiếng hát.
Chà, đó là một âm thanh thế nào nhỉ? Phó Yến tìm từ ngữ để miêu tả và anh chọn miêu tả rằng: dù bạn không biết tên bài hát, không nghe rõ từng từ của lời ca song bạn vẫn có thể chắc chắn đó là một bản tình ca ngọt ngào.
Anh đã đứng quá xa để nghe rõ giọng hát của cậu ấy nhưng anh thấy rõ biểu cảm say đắm trong lời ca khi cậu ngẩng cao đầu, và nháy mắt với anh.
Quả là một chú sơn ca kiêu ngạo.
Lâm Xuân Tư nhiệt huyết hát khan cả cổ họng, suýt thì bị hụt hơi ở nốt cuối.
Trong tràng vỗ tay của các thực khách, cậu vô thức lia mắt tìm kiếm anh trai lúc nãy nhưng bóng của chiếc xe cũng không thấy.
Cậu có chút hụt hẫng vặn nắp chai nước suối, hỏi các vị khách nữ: "Tôi không để ý lắm, các cô có thấy ảnh cười không?"
"Có nha!" Mấy cổ chụm đầu cười hí hửng: "Anh thắng rồi đó, tip thêm cho anh nè."
"Cảm ơn." Lâm Xuân Tư đỡ cằm nở nụ cười tự cho là lãng tử ngầu lòi, nhướng nhướng mày: "Tôi không chỉ biết chọc cho mấy anh đẹp trai cười mà cũng giỏi làm các cô vui vẻ lắm, có quý cô nào muốn nhốt tôi vào lồng không?"
Các cô cười phá lên trêu ghẹo đùn đẩy qua lại, sau đó lục tục chia tiền thanh toán.
Hôm nay là ngày khai trương nên quán mở cửa tới hơn mười giờ, Lâm Xuân Tư hát rát cả họng, nhận tiền và một cốc trà sữa matcha, móc lên xe đạp mà cõng đàn về khu trọ.
Hẻm số 24 là một khu tập thể cũ quy mô nhỏ, mấy lần có tin sắp bị giải tỏa mà mãi vẫn chưa thấy chính quyền hành động.
Dân cư đơn giản, nhà ai nấy sống, khá yên bình, đạm bạc.
Lâm Xuân Tư chống chiếc xe đạp cà tàng, xách túi trà sữa vói vào cửa sổ hộ đối diện: "Chị Phương, em cho hai đứa bé nhà chị nè."
"Ối, cảm ơn em." Chị Phương đặt kim chỉ xuống, ra nhận lấy: "Hôm nay làm trễ nhỉ? Chị có đem cho Kỷ Ca tô giò hầm còn dư, em có thấy nguội thì đưa chị hâm lại để ăn cho ngon."
"Dạ thôi, em cảm ơn." Lâm Xuân Tư ấm lòng vẫy tay chào cô thợ may.
Anh Phương, chồng chị, là công nhân xây dựng, đôi lúc sẽ phải ngủ lại công trường nên chị thường đem cho hai đứa thanh niên đối diện đồ ăn còn dư.
Cậu xách giày đi vào căn phòng nhỏ.
Kỷ Ca là sinh viên năm hai ngành Kỹ thuật môi trường, đang vùi đầu trong đống tài liệu, chẳng ngước lên nói: "Mày ôm luôn quần áo của tao bỏ sẵn vào máy đi, mắc công ngày mai bà già hộ số hai lại giành máy xài cả ngày rồi hai thằng lại tranh nhau cái quần xà lỏn."
"Ờ." Lâm Xuân Tư mở tủ lạnh nhỏ ra: "Giò hầm chị Phương cho đâu mày?"
Kỷ Ca: "...!Chết mọe, tao điên với tiểu luận quá nên lỡ ăn hết."
Lâm Xuân Tư thay quần áo: "Tự giặt đồ đi."
"Thôi mà, Tinh Tinh đẹp trai, Tinh Tinh dễ mến, giặt giúp tao đi.
Mày thương tao với, đêm nay tao không ngủ rồi, hu hu."
"Liên quan gì tao? Luận văn luận viết mày cứ để sát ngày mới làm thì khổ thôi." Miệng nói vậy mà Lâm Xuân Tư cũng gom đồ của Kỷ Ca lại.
"Mày không học đại học thì sao hiểu được nỗi khổ của tao."
"Nhưng học đại học là quyết định của mày."
Kỷ Ca không nói gì nữa.
Lâm Xuân Tư ôm hết quần áo ra bỏ vào cái máy giặt cũ mèm, buổi tối khu tập thể khóa nước nên sớm mai mới giặt được.
Lâm Xuân Tư bị gió thổi lạnh rùng mình, lủi lẹ vào phòng rồi trèo lên giường ôm guitar, ghé mắt nhìn ra cửa sổ.
Trong con hẻm, lấy hai bức tường xám làm vạch kẻ, chỉ có thể thấy một khúc phố rộng chưa tới ba mét.
Cậu lôi tập sáng tác bọc bìa da ra, vừa bấm phím vừa viết nhạc cho đến khi có tiếng đập vào tường cắt ngang.
Ông chú hộ bên khản tiếng chửi tục: "Có im cho tao ngủ không! Nhạc nhiếc gì giờ này!"
Lâm Xuân Tư hết cả hồn, thầm thì: "Hôm nay ổng ở nhà à? Sao mày không nói?"
"A a, tao sắp điên với luận văn rồi.
Nhớ gì chết liền á." Kỷ Ca vò đầu, sực nhớ: "Mà mày đói không? Nấu gói mì đi.
Mai tao bù lại đồ ăn sáng cho."
"Mai tao không giao thư, trưa thì đi thử giọng.
Mày mua món gì vị nhẹ thôi nhé."
"Ừ.
Mai tao học cả ngày, mày nhớ khóa cửa cẩn thận."
Lâm Xuân Tư mở cửa sổ nhoài hẳn người ra, làm vậy cậu mới có thể ngắm những vì sao xa xăm, lạc lối trên nền trời đêm ở cõi hoang đàng bị lãng quên này.
Bỗng, cậu nghĩ đến người đàn ông trên cây cầu kiểu Pháp.
Anh khoác măng tô màu be, tóc vuốt keo, đi giày da, điếu thuốc đỏ rực trên tay như một đóa hồng.
Ngôn từ bỗng tràn ra trong tâm trí cậu tựa nhánh suối Ngân hà, tất cả lấp lánh xung quanh anh ấy.
Trên cây cầu cũ kỹ bắc qua một con kênh cũ kỹ có một người đàn ông không hề cũ kỹ, tay cầm đóa hồng đặt bên nét mặt đượm buồn...!Anh ấy làm cậu muốn viết một bài hát..