Mấy người Trần Quỳ đang chần chừ không dám bước lên thì Phạm tri phủ đã tới bên cạnh Thôi Nam Hiên, thì thầm gì đó vào tai hắn.
Thôi Nam Hiên hơi cau mày, ánh mắt nhẹ nhàng quét qua mấy người Trần Quỳ vẫn đang háo hức chờ mong, xoay người bước xuống cầu đá. Mấy người ăn mặc có vẻ như là tôi tớ không biết từ góc nào chui ra lũ lượt đi theo hắn đi ra ngoài.
Mãi tới khi bọn họ đi thẳng ra phía cổng chính của Diêu gia, đám học sinh vẫn còn ngây người nhìn theo.
Gió hiu hiu thổi, bóng cây đu đưa, như thể bóng dáng phong lưu ưu nhã vừa rồi chỉ là ảo giác trong phút chốc của bọn họ.
Phó Vân anh nhìn thẳng phía trước, lướt qua Triệu Kỳ và Triệu Thúc Uyển vẫn đang nói chuyện khe khẽ.
Phó Vân Khải ngơ ngác, vô thức bước theo sau, vội vàng bám sát nàng.
Trần Quỳ phía trước cũng vừa kịp hoàn hồn, quay đầu lại cười với đám học sinh phía sau. "Dù chưa thể nói được lời nào nhưng có thể nhìn thấy phong thái của Thôi thị lang một lần đã là phúc ba đời."
...
Diêu Văn Đạt đang tranh cãi với Triệu sư gia.
Dựa vào chiếc gối mềm phía sau, Diên Văn Đạt thở hồng hộc như trâu, mặt mũi trắng bệch, chỉ vào Triệu sư gia thều thào gì đó, không cần nghe cũng biết chắc chắn chẳng phải lời hay ý đẹp gì.
Triệu sư gia ngồi trước giường bệnh dùng trà, không ngẩng đầu lên, nghe một câu, đáp một câu, thanh âm như chuông, tròn vành rõ chữ.
Diêu Văn Đạt tức giận phát điên.
Mấy người Trần Quỳ vừa bước chân tới cửa quay lại nhìn nhau, vào không được, không vào cũng không xong.
Bọn họ hình như là tới thăm bệnh mà? Triệu sư gia tại sao lại còn tranh cãi với người bệnh thế kia...
Trong lòng mọi người thầm than thở, lần này nếu làm Diêu học đài tức quá có mệnh hệ gì, người Diêu gia hẳn sẽ không bắt bọn họ đền mạng chứ?
"Tới rồi thì vào đi!"
Triệu sư gia, người đang ngang nhiên chọc giận người bệnh, nghe thấy tiếng đám học sinh thì thầm bên ngoài, quay đầu vẫy tay với Trần Quỳ.
Trần Quỳ không dám tỏ vẻ không tán đồng, đành đi vào.
Đám học sinh thay nhau thăm hỏi, thái độ cung kính.
Có hậu bối ở đây, thần sắc Diêu Văn Đạt cũng thả lỏng đôi chút, nói mấy câu với Trần Quỳ rồi không hiểu sao lại không muốn gặp nữa, xua tay bảo bọn họ đi ra ngoài.
Trần Quỳ biết tính Diêu Văn Đạt nên cũng bình tĩnh, "Vậy vạn lần hy vọng học đài giữ gìn sức khỏe."
Đám người bước ra ngoài.
Triệu Kỳ không đồng ý với việc Triệu Thúc Uyển tự tiện làm theo ý mình, kéo nàng ta sang một bên, khuyên nàng ta trở về: "Giữa một đống đàn ông con trai, muội là con gái ở đây là gì? Cẩn thận đấy, thể nào đường cô cô cũng mắng muội cho mà xem! cô mẫu nghiêm khắc, quy củ, muội đã theo cô mẫu học vẽ thì học hành cho tử tế, đừng tưởng cứ như ở nhà, ai cũng phải nhường nhịn muội!"
Triệu Thúc Uyển nhíu mày nói: "Biểu huynh vừa thấy Thôi thị lang đã quên béng muội với bát ca rồi còn đâu, muội về thế nào được? Ban đầu bảo định đi tiệm bồi tranh mua lụa Nga Khê, bức tranh của đường cô cô cần được bồi, biểu huynh nói muốn đích thân chọn mẫu lụa cho đường cô cô, huynh ấy không ở đây, muội với bát ca không dám tự quyết định."
"Lần sau đi cũng được mà." Nghe nàng ta nói xong, Triệu Kỳ thầm thở phào nhẹ nhõm, hắn còn tưởng Triệu Thúc Uyển muốn tiếp cận Phó Vân nên mới cố tình ở lại, "Muội về Phạm phủ với bát đệ trước đi, Thôi thị lang là quan trong kinh, biểu huynh là quan địa phương, đương nghiên phải nghe Thôi thị lang sai phái, chẳng lẽ biểu huynh lại có thể bỏ Thôi thị lang lại để đi với muội và bát đệ hay sao?"
Triệu Thúc Uyển dẩu mỏ, cố ý làm như vô tình liếc nhìn Phó Vân anh, dường như lại không muốn đi nữa, Triệu bát lang giật nhẹ ống tay áo nàng ta thúc giục, nàng ta đành hậm hực ra về.
"Ặc!" Phó Vân Khải kêu lên một tiếng kì quái, tiến tới cạnh Phó Vân anh, "Tiểu thư Triệu gia đanh đá quá thể! anh tỷ nhi, về sau muội cẩn thận một chút, nàng ta toàn lườm muội."
Phó Vân anh không quan tâm tới hắn, tách khỏi đám người, tìm lão bộc Diêu gia, "đã mời vị thầy thuốc nào xem mạch cho Diêu ông chưa?"
Lão bộc trả lời: "Cảm ơn tiểu tướng công đã quan tâm, nhờ có phúc của lệnh huynh, hôm qua Trương đạo trưởng đã đích thân đến đây bắt mạch cho lão gia nhà chúng ta, để lại đơn thuốc, hôm nay đã bốc thuốc rồi, lão gia uống hai thang, sắc mặt khá hơn mấy ngày trước nhiều."
Diêu Văn Đạt ốm đau liên miên, trước khi đi, Phó Vân Chương đã lệnh cho tôi tớ thường xuyên giúp đỡ Diêu gia mua tất cả củi gạo mắm muối và nhu yếu phẩm. Diêu Văn Đạt không nhận đồ biếu xén nhưng một khi trong lòng ông ta đã nhận định y là học sinh của mình, ông ta sẽ không khách khí với y. Phó Vân anh cũng được Phó Vân Chương dặn dò, sau khi chuyển tới phủ Võ Xương, dù chưa đích thân tới nhà nhưng thi thoảng vẫn sai tôi tớ qua đây thăm hỏi. Lão bộc Diêu gia biết nàng là em họ của Phó Vân Chương nên lấy làm cảm kích.
"Vị Thôi đại nhân kia..." Phó Vân anh làm như lơ đãng, nhẹ nhàng đổi chủ đề, "Tới đây từ bao giờ?"
Lão bộc mặt hơi biến sắc, ngó nghiêng xung quanh một lượt rồi mới thì thầm: "Lão gia vừa dặn ta nói với tiểu tướng công, trong kinh xảy ra biến cố lớn, tiểu tướng công nhớ viết thư nhắc nhở nhị thiếu gia, sau khi vào kinh, ngàn vạn lần không được tới bái vọng Thẩm các lão!"
Ông ta ngừng lại một chút, khom lưng nói: "Vị Thôi đại nhân khi nãy bị bãi quan rồi, Thôi đại nhân vốn là thị lang lão gia, mũ quan thế mà nói lột cái là lột luôn. Làm quan ấy mà, cũng không dễ làm."
Phó Vân anh mặt mày biến sắc, gật đầu đồng ý.
Ba người đứng đầu khoa thi năm Đồng An thứ hai mươi, Trạng nguyên Diêu Văn Đạt bị đẩy ra khỏi Hàn Lâm Viện, mang cái danh Đề đốc Học chính nhưng lại bị Thẩm gia ngáng chân liên tục, không thể tham gia vào quản lý việc học hành thi cử ở đất Hồ Quảng. Con đường làm quan của bảng nhãn còn khó khăn hơn, không biết đã lưu lạc phương nào.
Tiến sĩ thi đỗ năm ấy tản đi khắp nơi, không có ai có tiếng tăm gì, có người đã chết, có người về quê, xa lánh thế sự, có người bị đả kích vẫn chưa gượng dậy nổi.
Giờ người vốn được cho là đi trên con đường rộng thênh thang, có cơ hội trở thành phụ tá đắc lực cho Thẩm Giới Khê là Thám hoa Thôi Nam Hiên cũng bị thời thế xô ngã, bị bãi quan về quê.
Cục diện chốn quan trường thay đổi trong nháy mắt, như dong thuyền trên biển, một khắc trước vẫn là sóng yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, lát sau đã là sóng to gió lớn, thuyền đắm người chết.
...
Rời khỏi Diêu gia, Triệu sư gia quyết định đưa Phó Vân Khải và Phó Vân anh về phố Cống Viện, đám học sinh phải trở về Giang Thành thư viện, Triệu Kỳ vội vã tới Phạm phủ hỏi thăm lý do Thôi Nam Hiên xuống phía nam lần này.
Mọi người chắp tay từ biệt rồi mỗi người một ngả.
"Có chắc chắn được hạng nhất không?"
Về đến nhà, sau khi sai đám nha hoàn đi chuẩn bị trà, Triệu sư gia vén đạo bào ngồi xuống ghế trong chính đường, ngẩng đầu lên hỏi.
Phó Vân Khải nghẹn lời nhìn ông ta trân trối, người toát mồ hôi lạnh, nhận ra Triệu sư gia không phải đang hỏi mình thì liếc trộm Phó Vân anh một cái.
May mà không phải đang hỏi hắn.
Phó Vân anh nhận ly trà từ tay nha hoàn, bưng tới cho Triệu sư gia, trả lời: "Thầy chẳng phải đã dạy con phải khiêm tốn hay sao ạ? Núi cao còn có núi cao hơn, con còn có nhiều điểm không bằng người khác."
Triệu sư gia vuốt râu mỉm cười, uống một ngụm trà, "Ngươi cũng không nên đánh giá thấp bản thân, nếu thi thơ phú hoặc cổ văn, ngươi thật sự không bằng Triệu Kỳ, Tô Đồng. Nhưng thi nhiếp kinh, làm văn lại đều là thế mạnh của ngươi. Hơn nữa nửa tháng nay ta không ngại khó không ngại khổ dạy dỗ ngươi như thế, ngươi nhất định sẽ đứng trong mười người đầu tiên."
Đề thi nhập học dễ hơn so với đề thi đồng sinh, đơn giản là dựa vào khả năng ghi nhớ và áp dụng quy tắc, những câu cần tới khả năng văn chương thực sự cũng không nhiều.
Bởi vậy những học sinh tài hoa xuất chúng như Triệu Kỳ, Tô Đồng không có đất dụng võ ở kỳ thi nhập học này, bởi vì đáp án của mọi người đều không khác nhau là mấy, đơn giản chỉ so trí nhớ ai tốt hơn ai mà thôi.
Đại tài tử mà gặp phải bài thi nhiếp kinh thì tài năng văn chương cũng không dùng nổi.
Phó Vân anh học phần gốc rất vững, giỏi bắt chước, học thuộc, cấu tứ không bằng Tô Đồng, Triệu Kỳ nhưng khả năm nắm chắc đề bài, trình bày luận chứng, suy luận lại tốt hơn hai người kia. Hơn nữa nàng lại coi như "trưởng thành sớm", so với học sinh đồng lứa, nàng có tầm nhìn rộng hơn nhiều.
Triệu sư gia hoàn toàn tin tưởng, cảm thấy nàng có thể đạt hạng nhất. Nàng không chỉ chuẩn bị kĩ càng cho kỳ thi, tuổi còn nhỏ hơn Tô Đồng, Triệu Kỳ, vẻ ngoài thanh nhã tuấn tú cũng là một ưu thế lớn.
Trong chuyện khoa cử, có một quy tắc ngầm mà mọi người đều biết: Giám khảo sẽ ưu ái những thí sinh tuổi còn nhỏ, phong tư xuất chúng hơn một chút.
Tỷ như cái vị vạn tuế gia ở Kim Loan điện kia chưa bao giờ che giấu sự thiên vị của mình dành cho những quan viên có tướng mạo hơn người, thích chiêu mộ người trẻ tuổi, không quan tâm người kia có năng lực thực sự hay không, cứ thấy vừa mắt là cho một chức quan, đặt bên cạnh mình trước đã rồi tính. Khi tiên đế còn tại vị cũng là người như thế, quan viên bên người ai ai cũng tuấn nhã. Thôi Nam Hiên chính là do tiên đế đề bạt đó thôi.
Sứ giả từ các nước phụ thuộc tới dâng cống phẩm, nhìn thấy các vị đại thần trong Nội Các trên triều đình, bị phong thái của họ làm cho mất hồn, ngây ra như phỗng, quên sạch sành sanh mấy từ tiếng phổ thông mới học, không nói nên lời, sau khi về nước đành dâng tấu để biểu đạt tâm tình. Các sĩ tử cho rằng đó là việc phong nhã.
Đừng thấy các vị các lão già dặn cẩn trọng như thế mà cho rằng họ đứng ngoài việc này, họ cũng ngầm để ý, tự so sánh mình và các đồng liêu xem ai xấu ai đẹp.
Những nhà giàu có ở Giang Nam còn thường xuyên chọn những đứa trẻ mặt mày thanh tú để nhận nuôi, cho đi học, sau này đỗ đạt sẽ trở về báo đáp công ơn dưỡng dục. Sĩ tử phía nam cực kì chú trọng dung mạo phong độ, sĩ tử thoa phấn vẽ mày đã trở thành phong trào. Họ không tiếc tiền mua vải vóc quý giá để tô điểm cho mình, ngoài ra còn mua thêm mấy thư đồng mặt mũi sáng sủa hầu hạ bên người.
Khoa cử đương nhiên vẫn là quan trọng nhất đối với các sĩ tử nhưng sự coi trọng vẻ bề ngoài trong phần đông sĩ tử cũng ít nhiều ảnh hưởng tới trường học, thư viện.
Phó Vân anh nhỏ tuổi nhất nhưng lại có khí độ điềm tĩnh vì thế chiếm ưu thế rất lớn.
Hơn nữa, Phó Vân anh viết chữ đẹp, còn có thần.
Đây cũng là một yếu tố để có được sự thiên vị từ sơn trưởng và các vị chủ giảng.
"không phải con tự hạ thấp mình, những chuyện liên quan đến học vấn, từ trước đến nay khó có thể dự đoán được." Phó Vân anh bình tĩnh nói.
Thi cũng đã thi xong rồi, kết quả cuối cùng cũng phải xem sơn trưởng nhận xét thế nào.
Triệu sư gia cười nhạt, bĩu môi, ngón tay ấn nhẹ vào trán Phó Vân anh, càu nhàu: "Y hệt nhị ca ngươi, nhạt nhẽo."
Học sinh của ông ta đáng lẽ ra phải tự tin, tiêu sái phóng khoáng, tốt nhất là đi thi phải làm xong sớm nhất, đi ra ngoài, khinh khỉnh chê bai học sinh khác trước mặt mọi người, làm người khác tức điên nhưng cũng không làm gì được con bé, còn phải tươi cười tới tìm con bé hỏi bài, như thế mới vui chứ!
Phó Vân anh cười mà không nói, nàng biết Triệu sư gia đang nghĩ gì.
Lúc làm bài, nàng thực sự đã làm như những lời nói với Triệu Kỳ hôm đó, "cố gắng hết sức", nàng không sợ mình thể hiện hết khả năng sẽ rước lấy sự ghen ghét đố kỵ của người khác. Là thiếu niên, chắc chắn phải có khí phách thiếu niên.
Tuy rằng tâm hồn nàng không phải là thiếu niên thực sự nhưng đặt mình giữa một đám thiếu niên bồng bột phấn chấn, nàng không thể không bị bọn họ ảnh hưởng.
Đương nhiên vẫn phải giữ chừng mực, tự tin thoải mái và tự cao tự mãn chỉ cách nhau một lằn ranh.
Nàng còn nhớ Trần Quỳ đã nói, mười người đứng đầu trong kỳ thi nhập học sẽ có đặc quyền tự lựa chọn bạn cùng viện trong ký túc xá. Nàng không dám khẳng định mình nhất định sẽ nằm ba người đứng đầu nhưng mười người đứng đầu thì nàng tự tin mình có thể đạt được.
Phó Vân anh liếc mắt nhìn Phó Vân Khải một cái.
Chỉ mong cửu ca có thể nằm trong ba mươi suất chính khóa sinh, nàng vất vả đốc thúc huynh ấy ôn thi như thế cũng chỉ vì mục đích này, dù sao ở cùng người khác không tiện lắm, ở cùng với anh trai mình vẫn là tốt nhất.
Phó Vân Khải thấy nàng đang nhìn mình thì gãi đầu, cười hề hề.
Phó Vân anh nhớ tới một chuyện, đẩy hắn ra ngoài: "Cửu ca, huynh đi thư phòng làm lại đề thi hôm nay đi."
Phó Vân Khải hơi sửng sốt, "anh tỷ nhi, hôm nay cũng phải viết bài giải đề nữa sao?"
Phó Vân anh yêu cầu hắn ngày nào cũng phải luyện viết văn, văn viết ra dù tốt hay không thì kết cấu cũng phải hoàn chỉnh. Đến tối, nàng đọc lại bài văn hắn viết, đọc kỹ từng câu từng đoạn, tìm lỗi sai, chỗ thiếu, giảng giải cho hắn nghe rồi bắt hắn sửa lại lần nữa, sửa tới khi nàng vừa lòng mới thôi, sau đó lại làm bài khác.
Mấy ngày vừa rồi, để chuẩn bị cho kì thi nhập học, ngày nào hắn cũng thức khuya dậy sớm, nghiêm túc tuân thủ thời gian biểu nàng đề ra, giờ đã thi xong, chẳng lẽ vẫn phải tiếp tục sao?
hắn đã tính cả rồi, ngày mai tới chỗ Tô Đồng thuê nhà tìm Tô Đồng rồi hai người đi chơi với nhau một ngày... anh tỷ nhi rốt cuộc là do thần thánh phương nào đầu thai thành, đã thông minh hơn bọn họ thì thôi, lại còn cần cù như thế!
Như có thể nghe được tiếng hắn đang chửi thầm trong bụng, Phó Vân anh nhếch môi, trong mắt hiện lên ý cười sâu xa, "Cửu ca, viết hay không viết?"
Phó Vân Khải hoảng hốt, lập tức gật đầu lia lịa, "Huynh viết, huynh viết!"
Ánh mắt anh tỷ nhi thật đáng sợ, hắn không dám không làm.
...
Triệu sư gia mỉm cười nhìn hai anh em nói chuyện, nhìn theo bóng Phó Vân Khải đi ra ngoài rồi lại thấy Phó Vân anh ra đóng cửa sổ, "Muốn hỏi cái gì nào?"
Phó Vân anh khẽ hỏi: "Thầy ơi, kinh sư bên kia gần đây có chuyện đại sự gì thế?"
Triệu sư gia nhướn mày, đặt ly trà xuống, "Muốn nói chuyện đại sự à, đơn giản là tin tức trong hoàng thành. Hoàng hậu dâng thư tự xin phế hậu, chuyển vào đạo quan tu đạo, Hoàng thượng chấp thuận, muốn nhân cơ hội này sắc phong Quý Phi được sủng ái là hậu, các đại thần nhất trí phản đối. Còn có một chuyện nữa, Lễ Bộ thị lang Thôi Nam Hiên làm Hoàng thượng tức giận nên bị bãi quan, vị quan nhân tuấn tú mà các ngươi nhìn thấy trong nhà Diêu lão chính là hắn."
Từ khi còn là hoàng tử, Hoàng thượng đã không hòa hợp với chính phi mà yêu thích một người thị thiếp trong phủ là Tôn thị. Tôn thị sinh con trai cả cho ông ta, Hoàng hậu nhiều năm như thế vẫn chưa có con. Sau khi đăng cơ, Hoàng thượng liền muốn lập Tôn thị làm hậu luôn nhưng bị các đại đại thần lấy lý do Hoàng hậu là hoàng tử phi do tiên đế thân phong để ngăn cản. Mấy năm nay, vì việc phế hậu, Hoàng thượng đã phát sinh xung đột với triều thần rất nhiều lần, các đại thần rất có nguyên tắc, Hoàng thượng có thể lạm sát con cháu, huynh đệ nhưng không thể phế hậu!
Hoàng hậu là người chính trực, không dễ dàng thỏa hiệp, dù không có sự sủng ái của Hoàng thượng đi chăng nữa, nếu bà ấy nhẫn nhịn thì vẫn có thể chèn ép được Quý Phi như thường, nay tự nhiên lại tự xin thoái vị nhượng hiền (từ bỏ vị trí vốn có, nhường vị trí cho người tốt hơn mình), khiến cả triều đình kinh ngạc. Các đại thần trở tay không kịp, hẹn nhau tới cửa Tả Thuận khóc lóc can gián, trong cung lại truyền ra tin tức rằng Hoàng hậu đã cởi lễ phục, mặc một bộ quần áo tu sĩ, chuyển sang cung khác ở.
sự đã rồi, các triều thần cũng không còn cách nào.
Nghe nói Thôi Nam Hiên bị bãi quan là do từ chối khởi thảo chiếu thư phong hậu cho Hoàng thượng.
Nghe đến đó, khóe miệng Phó Vân anh hơi cong lên, cười ảm đạm.
Quả nhiên là như thế, dựa vào thủ đoạn của Thôi Nam Hiên, dù có bị bãi quan, hắn cũng phải đòi lại được một thứ gì đó. Mặc dù bị đuổi ra khỏi kinh sư một cách tức tưởi, hắn vẫn không quên tạo thế cho mình, chỉ bằng cái tiếng phản đối lập Tôn thị làm hậu nên bị bãi quan, danh tiếng của hắn trong lòng các sĩ tử lại tăng lên một bậc.
Triệu sư gia thở dài, dặn dò Phó Vân anh: "anh tỷ nhi à, mấy năm nay kinh sư không được yên bình, nhị ca người còn trên đường đến đó, không biết nó thế nào rồi. Ngươi viết cho nó một phong thư, bảo với nó hôm nay nhìn thấy Thôi Nam Hiên ở chỗ Diêu lão." Ông ta ngừng lại một chút, "thật tình ta cảm thấy Trọng Văn không cần đi thi vội, bản thân nó cũng không có chí làm quan, đáng tiếc mẫu thân nó lại cứ mong con mình hóa rồng. Trong kinh tình hình rối loạn, Hoắc Minh Cẩm và Thẩm các lão đang đấu đến hồi sống chết, nó bước lên con đường làm quan sớm như vậy chưa chắc đã là chuyện tốt, làm gì sơ sẩy một chút là bị cuốn vào cuộc chiến giữa Nội Các và Cẩm Y Vệ..."
Phó Vân anh mặt mày hơi biến sắc.
Nàng ngước mắt, cố dùng ngữ khí bình tĩnh để đặt câu hỏi, "Con nghe nhị ca nói, Thầm các lão là quyền thần, không phải trung thần nhưng cũng không phải là gian thần đại gian đại ác. Vị Hoắc Minh Cẩm đại nhân này thì ra sao?"
Triệu sư gia tuy là chú họ kiêm thầy dạy vỡ lòng cho vợ của Thẩm Giới Khê nhưng cũng không lui tới với Thẩm gia, hơn nữa cũng không thích cảnh Thẩm Giới Khê vì muốn nắm toàn bộ quyền lực trong tay mình mà không tiếc tay vu hãm những người đối lập, đẩy bọn họ vào chỗ chết.
Triệu sư gia mỉm cười, cũng không ngạc nhiên khi nàng hỏi vấn đề này. Mấy ngày nay, ông ta cố tình bồi dưỡng nhận thức của nàng về những chuyện chốn quan trường, cũng là để chuẩn bị cho tương lai, nàng không thể làm quan nhưng cần phải biết đại khái tình hình của triều đình, đề phòng sau này lại vô tình đắc tội thân thích của vị nào đó trong triều. Trong những người đọc sách, có nhiều người có quan hệ dây mơ rễ má với quan viên triều đình, gần như không ai thoát được. Đóng cửa đọc sách căn bản là để tham gia khoa cử, nếu thi đỗ, đạt được công danh mà vẫn có thể như trước kia, không để ý đến chuyện bên ngoài thì không cần làm quan nữa, nhân lúc còn chưa muộn thì về nhà dạy trẻ quách đi cho rồi!
"Hoắc Minh Cẩm vốn là một tướng quân trẻ tuổi, ông tổ của Hoắc gia là một trong những khai quốc công thần, cả nhà trung liệt, là thế gia lâu đời, đáng tiếc người này mất tích trên biển mấy năm, tới khi trở về thì tính tình hoàn toàn thay đổi, không ngờ lại cam lòng trở thành nanh vuốt..." Ông ta thở dài, lắc đầu, nói tiếp, "Lần này, chuyện Hoàng hậu bị buộc phải dâng thư xin phế hậu chính là bút tích của hắn."
Theo nguyên tắc, người nhà Hoàng hậu sẽ được phong tước hầu. Triều đại này, hậu phi của hoàng tộc đa phần xuất thân bình dân, người nhà mẹ đẻ Hoàng hậu là người nghèo ba bốn đời, tự dưng phất lên, vênh váo đắc ý, đương nhiên không tránh khỏi làm mấy chuyện ngu xuẩn. Hoắc Minh Cẩm thân là Chỉ Huy Sứ, quản lý chuyện tuần tra truy bắt, lấy người nhà Hoàng hậu ra uy hiếp Hoàng hậu, Hoàng hậu muốn bảo vệ người nhà nên không thể không chủ động rút khỏi vị trí Hoàng hậu.
Đơn giản như vậy, nói xong chân tướng của việc phế hậu, Triệu sư gia không khỏi tiếc nuối nói: "Truy lùng hậu nhân của Định Quốc Công, bức Hoàng hậu thoái vị, liên thủ với phi tần hậu cung... Vị tướng quân trẻ tuổi, mười hai tuổi đã theo cha và các anh xuất chinh, chiến công hiển hách ngày nào nay lại trở thành một quyền thần chỉ biết lấy lòng hoàng đế."
Trong lời nói của ông ta ẩn chứa nhiều cảm khái và thương tiếc.
Phó Vân anh không nói lời nào.
...
Bóng đêm đặc quánh, vô số đom đóm đang bay lượn trong sân, phát ra thứ ánh sáng vàng nhạt mông lung, như thể sao trời lạc xuống nhân thế.
Trong màn đêm, không nhìn rõ được bóng hoa thắm liễu xanh trong vườn, chỉ có thể lờ mờ nhìn thấy những nhành hoa bên yên lặng dựa vào vách tường.
Phó Vân anh vừa mới gội đầu xong, đang xõa tóc cho khô. Nàng mặc một chiếc áo mỏng, ngồi bên cửa sổ đọc sách.
Phương Tuế xắn cao tay áo, mài mực bên cạnh.
"Thiếu gia, xong rồi ạ."
Làm xong, Phương Tuế nhẹ nhàng lên tiếng.
Phó Vân anh đặt cuốn "Đông lai bác nghị" trong tay xuống, đưa mắt ra hiệu cho Phương Tuế đi ra ngoài.
Khi nàng viết thư không thích có người đứng bên cạnh, dù nàng biết Phương Tuế không biết chữ.
Nàng viết một chút về tình hình gần đây, báo cho Phó Vân Chương nàng sắp vào học ở thư viện, kể một chút về bệnh tình của Diêu Văn Đạt, nhắc nhở y chú ý tình hình ở kinh sư...
Cuối cùng viết đến một chữ "Hoắc", ngòi bút chợt ngừng lại.
Nàng nhíu mày suy nghĩ, suy nghĩ đến xuất thần.
Miếng ngọc bội màu xanh đậm hình con cá kia đã được giao cho Phó Vân Chương, vốn định nhờ y đưa lại cho Hoắc Minh Cẩm.
Đêm đó trời quá tối, nàng còn sợ hãi, không nhận ra người đàn ông đã cứu nàng lên bờ là ai, chỉ nhớ rõ người kia thân hình cao lớn, có lẽ còn cao lớn hơn thủy thủ trên thuyền rất nhiều.
Sau này trở lại huyện Hoàng Châu, Phó tứ lão gia từ từ hỏi thăm về vị quan lớn họ Hoắc trong Cẩm Y Vệ. Hoắc Minh Cẩm năm xưa từng nhiều lần dẫn quân xuất chinh, danh tiếng anh hùng không ai không biết, ngay cả những người phụ nữ trong khuê phòng như Lư thị còn biết tới người này. Phó tứ lão gia không tốn mấy công sức đã biết được người đứng đầu Cẩm Y Vệ hiện giờ là Hoắc tướng quân năm xưa.
Liên tưởng thêm một chút, Phó Vân anh đoán ra người đã cứu nàng lên chính là Hoắc Minh Cẩm.
Nhớ kỹ lại, kiếp trước, sau khi nàng thành thân hình như không gặp người anh họ xa này lần nào nữa, nhưng đại khái là do những ấn tượng về những lần gặp gỡ thuở nhỏ đã khắc sâu trong lòng nên nàng vẫn nhớ rõ diện mạo của người này.
Nàng còn nhớ như in hình ảnh của một thiếu niên áo gấm trầm mặc ít nói, sống lưng thẳng tắp, im lặng đứng ở phía sau bà nội kiên nhẫn lắng nghe người lớn nói chuyện.
Các chị họ nói trên mặt huynh ấy có sẹo, giết người như ma, bàn tay còn to hơn mặt chậu sành, mắt trừng lên làm người ta sợ phát khóc.
Hôm ấy, nàng đứng trốn sau bình phong, tò mò quan sát, trong lòng thầm nghĩ, các chị họ lại lừa nàng rồi, Hoắc gia biểu huynh lông mày như kiếm, mắt sáng như sao, tuấn tú lịch sự, nhìn qua không hề thấy hung ác chút nào.
Hoắc Minh Cẩm tai thính mắt tinh, cảm giác nhạy bén, dường như cảm nhận thấy điều gì nên bỗng nhiên liếc mắt về phía bình phong, tròng mắt sâu thẳm.
Ánh mắt dừng lại ở chỗ nàng.
Phó Vân anh ngẩn người ra một lát, sợ bị mẹ trách mắng, vội vàng lùi về phía sau bình phong.
Chỉ một lát sau, nha hoàn đi tới mời nàng ra ngoài, lão phu nhân muốn gặp nàng.
Ngụy gia tuy có truyền thống thư hương nhưng so với thế gia lâu đời như Hoắc gia thì cũng chỉ tầm thường mà thôi. Hai nhà tính đủ loại dây mơ rễ má cũng được coi là họ hàng thân thích, nhưng Phó Vân anh nào dám mở miệng nhận thân, cũng bắt chước mọi người gọi lão phu nhân.
Lão phu nhân rất ôn hòa, nhẹ nhàng kéo tay nàng, dịu dàng nói chút chuyện phiếm trong nhà, rồi quay đầu lại liếc nhìn Hoắc Minh Cẩm một cái, cười nói: "Qua đây gặp biểu muội của con đi."
Hai người hành lễ biểu huynh muội với nhau.
Phó Vân anh không dám ngẩng đầu, thấy Hoắc Minh Cẩm tới gần, khẽ nhìn xuống, gọi hai tiếng biểu ca.
Hoắc Minh Cẩm nhẹ nhàng ừ một tiếng.
Thanh âm ôn hòa, âm sắc trong trẻo, không ồm ồm như những thiếu niên khác.
Chẳng hiểu vì sao về sau hai nhà thường qua lại.
Hoắc Minh Cẩm tới nhà nàng nhiều lần, cũng dần dần trở nên thân thiết với mấy vị thiếu gia Ngụy gia.
Khi đó Phó Vân anh còn nhỏ, chưa hiểu sự đời, ngây thơ hồn nhiên. Có một lần mấy anh em họ rủ nhau chủy hoàn trong viện nàng rút trúng lá thăm cùng đội với Hoắc Minh Cẩm, đảm nhiệm nhiệm vụ phất cờ, thấy chiếc gậy trong tay Hoắc Minh Cẩm đánh trúng quả bóng, khiến bóng lăn xuống lỗ, nàng kích động, vô tình thuận miệng dùng cách xưng hô bình thường với những biểu huynh khác, gọi mấy tiếng "Minh Cẩm ca ca".
Buột miệng thốt ra xong nàng mới ý thức được hai người họ chỉ là họ hàng xa, người kia còn là công tử phủ Quốc Công, có cảm giác mình đang thấy người sang bắt quàng làm họ, vội a lên một tiếng.
Hoắc Minh Cẩm đứng trong đình, gậy đánh bóng khựng lại, từ xa nhìn nàng một cái, khe khẽ lên tiếng trả lời.
Dường như cũng không ghét cách xưng hô này.
Thấy Hoắc Minh Cẩm bình dị, gần gũi như thế, nàng vốn đang xấu hổ đỏ mặt vì thất lễ liền thở phào nhẹ nhõm, vẫy vẫy chiếc cờ trong tay, cười thật tươi.
Khóe miệng Hoắc Minh Cẩm cũng cong lên.
Nàng còn nhớ ngày hôm đó, sau khi tính điểm, Hoắc Minh Cẩm đạt số điểm cao nhất, toàn thắng.
Các anh nàng thua tâm phục khẩu phục.
Dựa theo số điểm chênh lệch sẽ có tiền thưởng, Hoắc Minh Cẩm chiến thắng nhưng không lấy đồng nào, đưa toàn bộ tiền thưởng cho Phó Vân anh.
Nàng cảm tạ Hoắc Minh Cẩm rồi hoàn lại tiền vừa bị thua cho các anh, tiền ai trả về cho người ấy.
Các chị họ lại sai bét rồi.
Hoắc gia biểu huynh là công tử nhà quyền quý, được nuôi dạy thật là tốt, dịu dàng khiêm tốn, hoàn toàn không giống một người máu lạnh từng lên chiến trường, chém đầu người như cắt dưa giống như bọn họ từng kể.
...
Hai nhà Ngụy - Hoắc thân thiết được một thời gian.
Nhưng trời cũng có lúc mưa gió thất thường, mấy năm sau đó, đối với Hoắc Minh Cẩm mà nói, có thể nói là quá thảm khốc.
Hoắc Minh Cẩm tận mắt nhìn thấy xác chết của cha và các anh mình bị kẻ địch phóng ngựa giày xéo. Thiếu niên hừng hực khí thế mà phải nhìn thấy cha anh mình chết thảm trên chiến trường, còn phải chịu nỗi nhục này, ai mà chịu thấu?
Nhưng Hoắc Minh Cẩm vẫn phải chịu đựng, bảo vệ thành trì mấy tháng, cho tới khi viện binh tới nơi mới ra khỏi thành nhặt xác cho cha và các anh.
Từ đó về sau, Hoắc Minh Cẩm gánh vác trên vai toàn bộ cơ nghiệp của Hoắc thị, xông vào thảo thuyên cho tới khi có thể báo thù rửa hận cho cha và các anh mới trở lại kinh thành.
Bà nội bệnh nặng qua đời, cha và các anh chết thảm, cho dù Hoắc Minh Cẩm có nhiều lần lập chiến công, được tiên đế tán dương, phong là Đại tướng quân cũng chẳng thể nào gặp lại những người thân đã mất nữa.
Vài năm sau gặp lại, Phó Vân anh suýt nữa không nhận ra Hoắc Minh Cẩm.
Ngày hôm đó tiết trời nóng ẩm, Hoắc Minh Cẩm đứng cạnh núi giả nói chuyện với thế tử của Định Quốc Công, dáng người cao lớn, mặt lạnh như băng, thân mặc một bộ áo bào xanh thẫm, đai lưng xanh nhạt, chân đi ủng da, cử chỉ điệu bộ đã không còn bóng dáng của thiếu niên hiền hòa ít nói thuở nào.
Hình ảnh thiếu niên tuấn lãng đầu đội mũ sa, áo dài cuốn lại giắt vào đai lưng, tay áo xắn lên thật cao đứng trước đình cầm tay cầm cây gậy đánh vào quả bóng trong trí nhớ của Phó Vân anh dường như đã bị chôn vùi trong những tháng năm bôn ba.
Nàng thấy khó xử, lúc này gặp lại Hoắc gia biểu huynh thì phải nói với huynh ấy cái gì cho phải?
nói chuyện cùng chơi khi còn nhỏ, sợ lại gợi lên nỗi buồn trong lòng huynh ấy, hơn nữa, cũng không phù hợp hoàn cảnh.
Họ đều đã trưởng thành, không thể nào cùng vui đùa như trước đây nữa rồi.
Huynh ấy cũng chưa chắc đã nhớ chuyện lúc nhỏ.
Cuối cùng nàng chỉ gọi huynh ấy mấy tiếng “Minh Cẩm ca”.
...
Nghĩ đến đây, Phó Vân anh đặt bút xuống, ngồi bất động trước ngọn đèn dầu lay động, khẽ mỉm cười.
Khi ấy thiên kim tiểu thư của Ngụy gia còn đang thấp thỏm lo âu về chuyện lấy chồng, vẫn chưa biết sự đời gian khổ.
Lúc đó nàng nào hiểu được, con người đều sẽ thay đổi.
Hoắc Minh Cẩm trải qua biến cố lớn, tính tình thay đổi, nàng không phải cũng thế hay sao?
Từ một tiểu thư được nuông chiều, chẳng phải làm lụng gì trở thành một cô con dâu Thôi gia biết nhóm lửa nấu canh một cách thuần thục.
Từ một Thôi phu nhân dịu dàng nhã nhặn trở thành một Ngụy thị tâm lạnh như dao, quyết đoán tách khỏi nhà chồng.
Lại cho tới bây giờ, trở thành Phó Vân anh kì quái lãnh đạm.
Dù sao cũng chỉ mất mấy năm mà thôi.
...
Lần gặp gỡ tình cờ ở phủ Định Quốc Công năm ấy chính là lần cuối cùng nàng nhìn thấy Hoắc Minh Cẩm. Sau này không gặp lại lần nào nữa.
Ngày Hoắc Minh Cẩm xuất chinh xuống phía nam chống giặc Oa, già trẻ lớn bé ở kinh sư đều đi tiễn.
Nàng ban đầu cũng định đi nhưng đúng hôm đó Thôi Nam Hiên lại bị cảm phong hàn, phải ở nhà dưỡng bệnh. Nàng lo hắn tỉnh lại không ai chăm sóc nên ngồi trước giường may cho hắn một bộ thường phục.
...
Ngày gặp lại, Hoắc Minh Cẩm cứu nàng, nàng lại không nhận ra người xưa.
Phó Vân anh chần chừ một chút.
Ánh sáng trên bàn mờ mịt, nàng cầm cây kéo bạc cắt hoa đèn, trước bàn sáng sủa thêm vài phần.
Nàng bình tĩnh lại, đặt bút viết tiếp.
"Miếng ngọc bội hình cá nhờ huynh giữ, nếu..."
Nếu có cơ hội, hãy để nàng đích thân trả lại cho Hoắc Minh Cẩm.
Triệu sư gia khinh thường Hoắc Minh Cẩm trở thành nanh vuốt để Hoàng đế giám sát quan lại, đe dọa triều thần, nàng cũng thấy tiếc thay cho huynh ấy.
Nhưng có lẽ đau lòng nhiều hơn.
Hoắc Minh Cẩm làm gì còn lựa chọn nào khác?
Hoàng đế không tin tưởng huynh ấy, làm sao có thể cho huynh ấy một binh một tốt. Hoắc Minh Cẩm là con cháu Hoắc gia, từ khi có ý thức đã hiểu được sứ mệnh của bản thân là bảo vệ biên cương đất nước, Hoắc gia đời đời cưỡi chinh chiến trên thảo nguyên, da ngựa bọc thây. Quân đội Hoắc gia bị hủy diệt, gần như đã chặt đứt tay chân của Hoắc Minh Cẩm.
Hoắc Minh Cẩm nào đâu lấy lòng Hoàng đế chẳng vì mục đích gì. Từ khi trở về ngày ấy, Hoắc Minh Cẩm cắt đứt với người nhà, giết tuần phủ Chiết Giang, tiếp nhận chức vụ Cẩm Y Vệ Chỉ huy sứ, công khai đối nghịch với Thẩm Giới Khê.
Thẩm Giới Khê có quan hệ tốt với anh em của Hoàng hậu. Hoàng hậu không có sự sủng ái của Hoàng đế mà vẫn giữ được vị trí của mình, không thể nào không liên quan tới sự ủng hộ sau lưng của Thẩm Giới Khê.
Hoắc Minh Cẩm ép Hoàng hậu thoái vị, thứ nhất là lấy lòng Hoàng đế, thứ hai là khiến Tôn Quý Phi phải mang ân, quan trọng nhất là đã loại bỏ được tai mắt của Thẩm Giới Khê ở hậu cung.
Mọi việc Hoắc Minh Cẩm làm đều chứng minh giữa huynh ấy và Thẩm Giới Khê thù đã sâu như biển.
Phó Vân anh đã nghe Phó Vân Chương và Khổng tú tài ngầm bàn luận về chuyện này, bọn họ suy đoán chuyện Hoắc Minh Cẩm gặp nạn trên biển có thể liên quan tới rất nhiều người.
Nhưng Hoắc Minh Cẩm còn đích thân truy lùng Từ Duyên Tông, người đã chạy thoát sau vụ án phủ Định Quốc Công.
Chính là do Hoắc Minh Cẩm đuổi giết Từ Duyên Tông, Phó Vân anh mới nghĩ mãi không ra Hoắc Minh Cẩm rốt cuộc đang muốn làm cái gì.
Bởi vậy cách đây không lâu, sau khi hỏi thăm được ân nhân của mình chính là Hoắc Minh Cẩm, nàng không muốn trả lại miếng ngọc bội kia nữa.
...
hiện tại, nhờ có việc phế hậu, nàng đại khái có thể xác nhận hai điều: Hoắc Minh Cẩm muốn bắt Từ Duyên Tông và Hoắc Minh Cẩm và Thẩm Giới Khê đối đầu, không chết không ngừng.
Nàng là người duy nhất trên đời có thể chắc chắn chuyện Từ Duyên Tông còn sống.
Vì bảo vệ Từ Duyên Tông, không tiết lộ chỗ trốn của hắn, nàng đã sống lại và trở thành Phó Vân anh tới nay. Nàng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện đi tìm hắn dù nàng tin rằng Từ Duyên Tông khi ấy ở gần lưu vực sông Nhược Thủy,
Có lẽ nàng nên đích thân gặp Hoắc Minh Cẩm một lần mới có thể xác định được mục đích của Hoắc Minh Cẩm là gì, xem huynh ấy rốt cuộc đã thay đổi bao nhiêu.
Nhưng Hoắc Minh Cẩm ở tận kinh sư xa xôi, nàng ở phủ Võ Xương, hơn nữa người ấy giờ đã là Cẩm Y Vệ Chỉ huy sứ cao cao tại tại, nàng chỉ là một người dân bình thường, khi nào mới có thể tìm được cơ hội đây?
Câu hỏi vụt qua trong đầu nàng nhưng động tác viết nơi tay vẫn không dừng lại, thư nhanh chóng được viết xong.
Dù thế nào đi nữa, đầu tiên phải ngăn cản Phó Vân Chương trả lại miếng ngọc bội hình con cá.
Giữ vật ấy lại, sau này mới có cái cớ để tìm Hoắc Minh Cẩm.
Lời tác giả:
Chủy hoàn thịnh hành dưới thời Tống Nguyên. Dưới triều Minh, những hoạn quan phú quý cũng thường chơi, và là trò chơi ưa thích của phụ nữ trong các nhà quyền quý. Quy tắc trò chơi hơi phức tạp, trong chuyện sẽ thay đổi, viết đơn giản hơn so với lịch sử.
Mọi người đọc không hiểu thì có thể dựa theo môn golf để tưởng tượng (dù thật sự không giống lắm)
Editor: Đó, làm nhanh như thế vì chương này có nam chính bay qua. Haizzz, chuyện hồi nhỏ không phải chị không nhớ, là anh nghĩ thế thôi. Ở phủ Định Quốc Công chị cũng không cố tình xưng hô lạnh nhạt với anh, chỉ vì chị cũng nghĩ anh quên rồi. Kiếp trước hai người này đúng là bỏ lỡ nhau một trăm lần. Khổ, truyện được tác giả đánh dấu là thanh mai trúc mã mà đọc mòn mắt có mấy đoạn thôi.
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Lão Đại Là Nữ Lang
Chương 61: Phế hậu
Chương 61: Phế hậu