Nguyên Tứ Nhàn hiểu ý Trịnh Trạc, hôm nay khách đến phủ đông, chưa kể tai vách mạch rừng thì hai người cùng rời bàn tiệc quá lâu chỉ e sẽ khiến người ta chú ý, đương nhiên không thích hợp trò chuyện ngay.
Những chữ này của Trịnh Trạc có lẽ là viết vội sau khi đẩy thiếu nữ kia đi, bởi vậy không kịp nói quá nhiều, chỉ hẹn nàng ngày mai nói chuyện.
Do đó, trong lòng nàng đại khái cũng có đáp án: vị tiểu nương tử kia chắc chắn có liên quan gì đó với nàng hoặc với Nguyên gia, bằng không Trịnh Trạc sẽ không nói vậy. Lại liên tưởng tới những gì vừa nghe, giọng nói cố ngụy trang ấy vẫn có vài phần quen thuộc, nàng đoán tiểu nương tử kia tám phần là đích nữ chi thứ hai của Khương gia, muội muội của Khương Bích Nhu: Khương Bích Xán.
Trước đây sau khi Khương Bích Nhu bị đuổi khỏi Nguyên gia, Nguyên Ngọc đã tận tình tận nghĩa thông báo với Khương gia, nhưng Khương gia bị vướng thánh mệnh nên không dám đón nàng ta về Trường An mà chỉ phái một ma ma ra ngoại thành chăm sóc.
Sau đó Khương gia nhanh chóng sa sút, ma ma sợ bị liên lụy bèn bỏ của chạy lấy người, nơi ngoại thành chỉ còn lại một mình Khương Bích Nhu lẻ loi trơ trọi. Trên dưới Khương gia chẳng ai lo nổi thân mình, nhất thời không ai nhớ đến nàng ta. Ngược lại, Nguyên Tứ Nhàn từng sai Giản Chi đến thăm một lần.
Không phải nàng hối hận mềm lòng, chỉ là thấy a huynh vẫn còn hơi sa sút tinh thần, nàng sợ Khương Bích Nhu chết vào lúc này sẽ khiến huynh ấy khó vượt qua được, cho nên nàng mới đưa ít thức ăn và thuốc thang tới.
Khương Bích Nhu vốn dĩ sức khỏe yếu, cộng thêm uống rượu Huy Ninh Đế ban nên bệnh rất nặng. Nguyên Tứ Nhàn đoán nàng ta không chống đỡ nổi qua mùa đông, vốn nghĩ Khương gia không có ai thì đến lúc đó nàng nhặt xác cho nàng ta là được, không ngờ khi phái Giản Chi đi lần nữa thì nơi ấy đã trống rỗng không người.
Giản Chi hỏi han xung quanh mới biết, Khương Bích Nhu xác thực bị bệnh chết, và được một tiểu nương tử trẻ tuổi nhặt xác cho trong đêm.
Nguyên Tứ Nhàn lúc đó từng nghi ngờ Khương Bích Xán, nhưng vì Khương gia đã không còn làm được trò trống gì nên không quá lưu ý. Trước mắt xem ra, tiểu cô nương này rất ngoan cường, không biết lại muốn giở trò gì đây.
Nàng không khỏi buông tiếng thở dài. Nàng không sợ Khương Bích Xán giở thủ đoạn, chỉ là chuyện này khiến nàng hơi chán nản – giống như mọi chuyện trong mơ đều là số mệnh khó thoát, dù lần này Lục Thời Khanh trăm phương ngàn kế giúp nàng lật đổ Khương gia thì mối liên quan giữa Khương Bích Xán và Trịnh Trạc vẫn không thể nào tránh khỏi.
Nàng nhất thời suy nghĩ bi quan, rằng vận mệnh Nguyên gia có lẽ rồi cũng thế thôi.
Nguyên Tứ Nhàn đá đá hòn sỏi nhỏ về hậu viên, nhưng nhanh chóng không còn sức đâu sa sút nữa, vì xa xa đã nghe giọng Lục Thời Khanh. Nàng chỉ đi có một tí mà hình như tiệc lưu thương đã đổi chiều, từ đối thơ biến thành luận điển.
Nàng thấy Lục Thời Khanh chắp tay đứng bên bàn dài cười nói với một thiếu niên đứng ở bờ đối diện con suối:
– Đậu huynh nói vậy sai rồi.
Đang luận điển tịch gì thế? Nàng cố về chỗ ngồi mà không thu hút sự chú ý của người khác nhưng vừa ngồi xuống thì có một tiểu nương tử bên cạnh sáp lại kề tai nói nhỏ:
– Huyện chúa đã bỏ lỡ một màn hay rồi.
Nguyên Tứ Nhàn nhìn Lục Thời Khanh đứng bên cạnh đang luận điển với người khác, không thèm nhìn nàng lấy một cái, nàng nhỏ giọng hỏi:
– Màn hay gì?
Tiểu nương tử đó nhẹ nhàng nói:
– Huyện chúa thấy mấy lang quân đỏ mặt tía tai ở đối diện không? Tám người đó đều bị Lục thị lang làm tức đấy. Sau khi người đi, ở đây bắt đầu luận điển, không biết sao mà hình như Lục thị lang rất không vui, nói một hơi khiến cả tám người á khẩu không đáp được. Tội nghiệp mấy lang quân trẻ tuổi quá…
Khi khổng khi không lại hứng phải lửa giận vô danh.
Nguyên Tứ Nhàn không khỏi sững sờ, ngẩng đầu nhìn Lục Thời Khanh có vẻ như vô cùng vĩ đại, sắc mặt y quả thực rất kém, y cười lạnh nói:
– Lời này của Đậu huynh lại càng sai. Đúng là tiên hiền có câu: “hiền hiền dị sắc” (1). Nhưng Đậu huynh đã phạm vào tối kỵ của học giả là vọng văn sinh nghĩa (2).
(1) Trích “Luận ngữ”, nghĩa: xem trọng hiền đức mà không xem trọng nhan sắc.
(2) Vọng văn sinh nghĩa: nhìn chữ đoán mò.
Thiếu niên họ Đậu đối diện hình như không phục, nghiêm túc biện giải:
– Câu “hiền hiền dị sắc”, một là chỉ thấy người giỏi thì muốn bằng người ta, từ bỏ nữ sắc; hai là chỉ trong đối đãi với thê tử, phải xem trọng phẩm đức bên trong chứ không phải nhan sắc bên ngoài. Xưa nay đều giải thích như vậy, cớ sao lại bảo là vọng văn sinh nghĩa? Lục thị lang e đang cưỡng từ đoạt lý (3).
(3) Cưỡng từ đoạt lý: bẻ lái câu chữ theo ý mình.
Nói xong, hắn không nhịn được nhìn Nguyên Tứ Nhàn.
Nguyên Tứ Nhàn xấu hổ sờ mũi.
Ờ, nàng đúng là có chút nhan sắc, Lục Thời Khanh cũng luôn tốt với nàng, nhưng nàng đâu dạy y cưỡng từ đoạt lý như vậy đâu.
Lục Thời Khanh cười, cũng nhìn Nguyên Tứ Nhàn, sau đó hỏi ngược lại:
– Đậu huynh cho rằng “sắc” trong “hiền hiền dị sắc” là chỉ điều gì? Nữ tử, nữ sắc hay nam nữ chi sắc (4)? Vậy e quá thiển cận đấy. Thân là hậu nhân, học tập kinh điển là phải đặt mình về lịch sử để hiểu rõ ý tiền nhân, Đậu huynh dùng ánh mắt người nay để xuyên tạc ý người xưa, bảo “vọng văn sinh nghĩa” đã là Lục mỗ khách sáo rồi.
(4) Nam nữ chi sắc: chỉ quan hệ xxx giữa nam và nữ.
– Thời xưa, quan hệ phu thê là khởi nguồn của nhân luân, là nền tảng của vương hóa (5), thánh hiền như Khổng phu tử sao lại trái với nhân chi thường tình? Người có ngũ giác là tai mắt mũi miệng thân, tất cả những gì nhận biết được đều là “sắc”, thậm chí tất cả những vật có hình sắc như thái độ, cử chỉ cũng là “sắc”. Đậu huynh lấy nữ sắc ra để luận, không chỉ phiến diện mà còn có ý xem thường các vị tiểu nương tử ở đây.
(5) Vương hóa: chỉ sự giáo hóa, đức hóa của thiên tử.
Lang quân họ Đậu bị nói tới ngơ ngác, thanh niên tài tuấn bốn phía cũng đờ đẫn, hình như chưa từng nghe kiểu giải thích này, nhất thời vừa thấy mới mẻ vừa thấy nghi hoặc.
Nguyên Tứ Nhàn nhìn Lục Thời Khanh.
Cái miệng này đúng là rất biết ăn nói. Nhưng đã bảo giang sơn đời nào cũng có nhân tài xuất hiện, tiền bối phải nhường đường cho hậu bối cơ mà?
Lục Thời Khanh tiếp tục nói:
– Lại nói về nữ sắc. Diện mạo đương nhiên là vật bên ngoài, nhưng nếu không thực sự lĩnh hội, chỉ nghe người khác nói thì sao có thể biết chính xác nặng nhẹ? Cứ luôn hạ thấp vật bên ngoài như Đậu huynh đây thì khác gì người mù không hỏi tướng mạo bên ngoài, khác gì ngụy quân tử miệng đầy nhân nghĩa đạo đức, kỳ thực lại lừa đời lấy tiếng? Chưa bao giờ cầm lên thì không có tư cách bàn chuyện đặt xuống.
Y cười:
– Đương nhiên, Đậu huynh tuổi tác còn nhỏ, không trách trải đời nông cạn. Chỉ là nếu huynh cứ muốn bàn với Lục mỗ về đức độ và nữ sắc bên nào nặng bên nào nhẹ thì xin sau khi hiểu rõ hẵng bàn.
Bốn phía tức khắc xôn xao.
Wow, gã Lục Thời Khanh này đúng là không biết xấu hổ, ỷ có vị hôn thê bên cạnh liền đắc ý. Thế hóa ra ở đây chỉ mỗi y từng cầm lên, nên chỉ mỗi y có tư cách bàn chuyện đặt xuống hử?
Nhưng lời của y lại khiến người ta không thể phản bác. Dù sao lật khắp cả Trường An cũng không tìm được ai có dung mạo áp đảo Lan Thương huyện chúa, nếu Lục Thời Khanh nói y chưa từng lĩnh hội nữ sắc chân chính thì e những người ngồi đây không có ai dám nói là mình hiểu.
Thiếu niên họ Đậu đối diện đỏ bừng mặt, chỉ thấy ngực như bị lưỡi dao sắc xuyên qua, suýt không kìm được đưa tay che lại.
Hắn nghĩ, đại khái đây chính là… sức mạnh của thánh hiền.
Hắn không khỏi thán phục sâu sắc, chắp tay nói:
– Nghe một lời của người, hơn mười năm đọc sách. Đậu mỗ ghi nhớ lời Lục thị lang chỉ bảo, ngày khác học hỏi thành tài, chắc chắn sẽ đến nhà cùng người đàm luận!
Lục Thời Khanh khoát tay ra hiệu hắn không cần khách sáo, sau đó tiêu sái về chỗ ngồi.
Khóe môi Nguyên Tứ Nhàn giật giật, nàng kéo tay áo y, khẽ hỏi:
– Chàng nghiêm túc à? Sao ta nghe cứ như…
…như đang hại con cháu người ta vậy?
Lục Thời Khanh đương nhiên không phải nghiêm túc. Ai bảo Nguyên Tứ Nhàn tự mình bỏ đi theo Trịnh Trạc, vứt y lại đây làm gì. Y bất bình trong bụng, đương nhiên phải tìm người để xả.
Lúc này mới “xử” xong chín người, nàng mà về muộn hơn một chút là tất cả mọi người ở đây đều gặp phải tai ương.
Nhưng Lục Thời Khanh không muốn thừa nhận mình đang ba láp ba xàm, y đàng hoàng nói:
– Nghiêm túc đấy.
Nguyên Tứ Nhàn bị những lời có vẻ như lợi hại ban nãy của y làm lọt vào sương mù, bán tín bán nghi ừ một tiếng, sau đó hỏi:
– Xem ra tiệc lưu thương hôm nay người thắng đến cuối cùng trừ chàng ra không còn ai khác. Vậy ta sẽ bận lắm cho mà xem.
Y vốn đang giận dỗi, nghe vậy lấy làm lạ:
– Nàng bận gì?
Nàng chống má phiền não:
– Sang năm tới lượt chàng chủ trì tiệc lưu thương, phủ chúng ta có nhiều khách khứa đến như vậy, chẳng phải ta sẽ bận chết sao?
Lục Thời Khanh đầu tiên là sững sờ, sau đó mới phản ứng lại câu “phủ chúng ta” của nàng, ghen tuông giận dỗi gì gì đó đều tan thành mây khói, khóe môi không kìm được từ từ cong lên, y nghiêng đầu lặng lẽ che giấu vẻ kích động khó kìm chế ấy.
Nguyên Tứ Nhàn lén liếc nhìn y.
Xời, dễ dụ vãi.
Tiệc lưu thương hôm đó, Lục Thời Khanh hoàn toàn xứng đáng ngôi đầu, sau đó đưa Nguyên Tứ Nhàn về phường Thắng Nghiệp rồi lặng lẽ về phủ.
Hôm sau, 15 tháng 2 là tết hoa triều, là dịp tốt mỗi năm một lần để mọi người kết bạn giao du, đạp thanh thưởng hồng (6), nhưng hôm đó cũng là ngày lên triều, triều đình không cho nghỉ, Lục Thời Khanh không thể đi chơi, vừa khéo Nguyên Tứ Nhàn đỡ phải giải thích với y chuyện đi ước hẹn với người khác.
(6) Đạp thanh thưởng hồng: giẫm lên cỏ xanh và thưởng thức sắc đỏ của hoa, ví việc đi chơi ngắm cảnh thiên nhiên.
Nguyên Tứ Nhàn ngồi xe ngựa ra khỏi thành, đúng giờ thìn đến cổng Diên Hưng, đúng lúc cùng xe ngựa của Trịnh Trạc sánh vai đi cùng. Bốn phía đông người phức tạp, hai người trong lòng tự hiểu, không hề kêu ngừng xe ngựa, tiếp tục đi thẳng về đông, tựa như chỉ là trùng hợp đi ngang qua.
Đi ngang cầu Lộc, người du xuân dần lác đác, Trịnh Trạc mới kêu ngừng xe ngựa trước, kế đó lên một ngọn núi không bắt mắt ở phụ cận.
Nguyên Tứ Nhàn bảo xe ngựa đi xa thêm một chút, lại ra vẻ như đi ngắm cảnh, dạo lòng vòng rồi quay về núi.
Ngắm cảnh núi mùa xuân vào tết hoa triều là chuyện bình thường, hai người làm như vậy, không có vẻ như cố tình ước hẹn, dù người khác thấy cũng không nghi ngờ. Quanh co một phen như vậy, cuối cùng Nguyên Tứ Nhàn cũng gặp Trịnh Trạc ở một tòa thạch đình trên đỉnh núi.
Tòa thạch đình này xây ở nơi hẻo lánh đã nhiều năm, trông khá cũ kỹ, dựa vào núi đá, hai mặt nhìn về sườn núi, nếu có người lại gần, chắc chắn sẽ bị người trong đình phát hiện ngay lập tức, cho nên rất an toàn.
Sau khi phán đoán như vậy, Nguyên Tứ Nhàn yên tâm ngồi xuống bên lan can đình.
Trịnh Trạc đúng là quân tử, vì trước mắt cô nam quả nữ nên hắn chừa cho nàng chỗ dựa vào núi đá, còn bản thân ngồi ở chỗ gần sườn núi nguy hiểm, tỏ rõ mình không có ý mạo phạm.
Hắn cười nói:
– Phiền huyện chúa đi chuyến này rồi. Trong thành Trường An gần đây tai mắt ngầm dày đặc, tết hoa triều nhiều người đi ra ngoài, ngược lại sẽ không dễ gây chú ý.
Nguyên Tứ Nhàn đương nhiên hiểu, Bình vương vẫn chưa rời kinh, e là đang nhìn chòng chọc vào Trịnh Trạc và Nguyên gia.
Nàng cười đáp lại:
– Điện hạ khách sáo rồi, là tôi muốn nghe ngóng tin tức từ ngài, hôm nay lẽ ra ngài phải ở Võng Cực Tự tụng kinh mà lại lén lút ra ngoài mới đúng là vất vả.
Trịnh Trạc cười lớn:
– Lần nào ta tụng kinh cũng buồn ngủ, còn phải đa tạ hôm nay huyện chúa cứu giúp đấy.
Khách sáo qua lại vài câu, Trịnh Trạc thu ý cười, đang muốn nói vào đề tài chính thì đột nhiên nhìn về phía sơn đạo, hơi sửng sốt.
Nguyên Tứ Nhàn quay đầu nhìn theo ánh mắt hắn, thấy ở sơn đạo có một nam tử áo bào đen rộng, mộc trâm vấn tóc, ánh xuân rực rỡ chiếu lên mặt nạ bạc của y rạng ngời, hoa trên núi ở phía sau y kiều diễm gần như chói mắt.
Nguyên Tứ Nhàn cũng sửng sốt, hỏi Trịnh Trạc:
– Sao Từ tiên sinh lại đến?
Trịnh Trạc cười bất lực, đáy lòng không khỏi thở dài.
Phải, tiểu tử Lục Thời Khanh này sao lại tới rồi.
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông
Chương 66
Chương 66