Vào khoảnh khắc đó, trong đầu nàng lướt qua một lượt những gì đã xảy ra.
Chuyện bắt cóc này trông có vẻ trôi chảy lưu loát, kỳ thực rất khó làm, không phải vớ bừa một đối thủ nào của Lục Thời Khanh cũng làm được. Ban đầu nàng chỉ nghĩ được hai khả năng: một là Bình vương, hai là Tế Cư.
Nhìn từ toàn bộ sự việc, đối phương chắc chắn đã trù tính rất lâu chứ không phải mới ngày một ngày hai.
Thứ nhất, Nguyên Tứ Nhàn lâm bồn sớm nhưng đứa bé được dùng để đánh tráo cũng ra đời trong khoảng thời gian đó, chênh lệch gần như không quá một ngày. Đây không phải chuyện có thể thu xếp ổn thỏa trong lúc vội vàng. Nói cách khác, khả năng cao đối phương đã thu gom các phụ nhân có thời gian mang thai xấp xỉ nàng từ các nơi về, đồng thời thu xếp sẵn cho họ ở kinh thành đợi lệnh.
Thứ hai, mật đạo chẳng khác nào điểm chí mạng của Lục Thời Khanh và Trịnh Trạc. Sau khi Lục Thời Khanh rời kinh, mật đạo này chưa từng được sử dụng, đồng thời canh phòng ở Từ trạch cũng càng chặt chẽ hơn trước. Nếu nói nó bị lộ trong thời gian gần đây thì thật khiến người ta khó mà tin nổi. Cho nên, Nguyên Tứ Nhàn nghĩ, e là mật đạo bị phát hiện càng sớm hơn nữa.
Chỉ từ điều này là có thể kết luận, người lập ra kế hoạch không phải Bình vương mà là Tế Cư.
Vì mật đạo bị lộ đồng nghĩa với thân phận “Từ Thiện” cũng bị lộ. Một khi Bình vương phát hiện điều này sẽ không dùng nó vào việc bắt cóc mà sớm đã ngừng đối phó Thái Hòa, chuyển sang truy cùng đuổi tận Lục Thời Khanh, hoặc tiết lộ sự tồn tại của mật đạo cho Huy Ninh Đế.
Nhưng lập trường của Tế Cư thì khác. Sau khi biết mối quan hệ giữa Lục Thời Khanh và Từ Thiện, phản ứng đầu tiên của hắn ta không phải là đưa nó ra ánh sáng. Đúng là hắn ta có hợp tác với Bình vương, nhưng không thể nào làm bằng hữu vĩnh viễn với Bình vương. Để Trịnh Trạc và Lục Thời Khanh tiếp tục nội đấu với Bình vương, tiếp tục tiêu hao lực lượng của nhau mới là chuyện tốt với Nam Chiếu.
Bởi thế hắn ta lựa chọn không nói chuyện mật đạo với Bình vương hay Huy Ninh Đế mà âm thầm lên kế hoạch bắt cóc.
Nhưng kế hoạch này chỉ dựa vào một mình hắn ta thì không thực hiện được.
Từ bắt cóc người cho đến việc chia quân bốn hướng, mọi hành động đều xảy ra ở nửa sau đêm, lúc đó cổng thành Trường An đóng chặt, nếu không chuẩn bị sẵn mấy lệnh bài xuất thành thì căn bản không thể thực hiện. Nhưng một thái tử Nam Chiếu như hắn ta không thể có lệnh bài xuất thành, chỉ có thể nhờ Bình vương.
Do đó, Tế Cư đã tìm đến Bình vương từ sớm, đồng thời thuyết phục Bình vương giúp hắn ta hoàn thành nửa sau kế hoạch đưa người xuất thành.
Bình vương sẽ không mạo hiểm vì chuyện không có lợi, thế tại sao Bình vương lại đồng ý chuyện này? So với Tế Cư, mục đích của Bình vương tương đối đơn giản, chính là muốn dùng mẫu tử Nguyên Tứ Nhàn làm mồi nhử để lấy mạng Lục Thời Khanh.
Có lẽ Bình vương chưa phát hiện mắt xích Từ Thiện, nhưng nhiều năm nay không thể không nhận ra Lục Thời Khanh khống chế triều cục như se chỉ luồn kim, sự tồn tại của y là vật cản Bình vương leo lên vị trí cao.
Không giúp được thì hủy diệt. Sau khi Lục Thời Khanh liên tiếp đi sứ Nam Chiếu và Hồi Hột, thế như mặt trời ban trưa, Bình vương càng cảm nhận được uy hiếp, bởi vậy muốn mượn sức Tế Cư để diệt trừ hậu hoạn không phải là điều không thể lý giải.
Nguyên Tứ Nhàn nghĩ đến bước này rất rõ ràng, nhưng khi Lục Thời Khanh thốt câu “giết lão vương Nam Chiếu”, nàng phát hiện mình nghĩ vẫn quá ít.
Ban đầu nàng nghĩ, mình và Thiều Hòa mang thai xấp xỉ nhau, có lẽ Tế Cư muốn đưa con của nàng vào Trường An làm “con tin” để nàng và Lục Thời Khanh trơ mắt nhìn con gần trong gang tấc lại không thể nào đoàn viên cùng nó, đã thế còn ngày ngày lo lắng sợ hãi, thậm chí vì an nguy của con mà giúp Nam Chiếu vào thời khắc mấu chốt.
Nhưng bây giờ xem ra, Tế Cư biết Lục Thời Khanh không phải hạng tầm thường, một lần đau ngoài ý muốn để mất con là đủ, không thể tiếp tục mặc kệ Nam Chiếu muốn làm gì thì làm nữa, cho nên tuy kế hoạch hoàn mỹ nhưng thực tế rất khó thực hiện.
Như vậy, nếu biết mong muốn đó quá nửa sẽ thất bại, vì sao hắn ta còn khăng khăng phí công như thế?
Vì dù kế hoạch thất bại, Tế Cư vẫn có lợi.
Đứa bé không rõ tung tích, ý đồ của Lục Thời Khanh là muốn tìm được Lục Nguyên Trăn trong thời gian ngắn nhất, biện pháp duy nhất là mau để “con tin” vào kinh. Bởi vậy, y phải làm hai việc: một, ám sát lão vương Nam Chiếu, để Tế Cư mau chóng đăng cơ; hai, đánh tráo đứa bé trước khi nó đến Trường An.
Mà hai việc này đều đúng ý Tế Cư.
Trước tiên nói về việc thứ nhất.
Từ khi Tế Cư đi sứ Đại Chu, đạt hiệp nghị hòa thân với triều đình, hắn ta đã chiếm thế thượng phong trong tranh đấu với nhị đệ, hơn nửa năm nay tình thế ngày càng phát triển. Nhưng ngày nào lão vương chưa chết thì ngày đó hắn ta chưa thể kế vị, để tránh đêm dài lắm mộng, hắn ta sớm đã nảy lên ý niệm giết cha.
Chỉ là chuyện này quá mạo hiểm. Hắn ta có thể giết lão vương nhưng khó đảm bảo có thể giết một cách thần không biết quỷ không hay, không để lại sơ hở nào. Khi mới đăng cơ, tình hình chính trị bất ổn, nếu có người nhân lúc ấy lấy chuyện hắn ta giết cha đoạt vị làm lý do để dấy binh tạo phản thì mọi thứ sẽ thành công dã tràng.
Cho nên, tình huống lý tưởng là: hắn ta không tự ra tay mà cố ý để phòng thủ vương cung lỏng lẻo cho kẻ khác vào giết. Nếu hung thủ này vừa khéo là một phần tử thuộc trung tâm quyền lực Đại Chu thì càng tốt.
Lại nói về việc thứ hai.
Bất kể Thiều Hòa mang thai rốt cuộc là thật hay giả, có thể chắc chắn Tế Cư chưa bao giờ có ý định đưa con ruột đến Đại Chu. Trước khi ra sức tung tin Thiều Hòa mang thai, hắn ta đã sắp xếp sẵn người thích hợp ở Nam Chiếu để làm “con tin”.
Có điều, sau đó Nguyên Tứ Nhàn vừa khéo mang thai ở thời điểm tương tự, hắn ta mới nghĩ ra kế sách “tuyệt vời hơn” này.
Nhưng dùng đứa bé giả để lừa Huy Ninh Đế cũng sẽ có nguy hiểm.
Tế Cư không cách nào đảm bảo Đại Chu sẽ phát giác vấn đề lúc nào, cũng không cách nào đảm bảo lúc Đại Chu phát giác vấn đề, hắn ta đã ngồi vững đế vị hay chưa, có cần triều đình ủng hộ nữa không. Để thêm một lớp bảo hộ cho tương lai khó đoán, tốt nhất hắn ta lập thêm một vụ “đánh tráo” để trốn tránh trách nhiệm.
Đến lúc đó chuyện bại lộ, hắn ta có thể khăng khăng đứa bé mình đưa tới là thật nhưng giữa đường bị Lục Thời Khanh đánh tráo, thậm chí còn có thể cắn ngược lại, bảo Đại Chu trả con cho hắn ta.
Lục Thời Khanh biết rõ động cơ của Tế Cư. Nhưng đây là một dương mưu. Vì con, hai việc này y buộc phải làm.
Nghĩ thông những mắt xích này, Nguyên Tứ Nhàn không kìm được lo lắng ôm chặt y.
Lục Thời Khanh cười:
– Đời làm gì có vụ mua bán hời như vậy, bao nhiêu lợi đều do một mình Tế Cư chiếm hết? Đao của ta gác tới cổ lão vương Nam Chiếu rồi, nếu thật giết ông ấy, há chẳng phải quá mức ngu xuẩn sao?
Mắt Nguyên Tứ Nhàn lóe lên, thu lại ánh lệ:
– Ý chàng là…
– Giả chết.
Y nhàn nhạt chớp mắt:
– Nhạc phụ sẽ để ông ấy sống lại vào thời điểm đặc sắc nhất.
Đêm đó, Nguyên Tứ Nhàn nghe Lục Thời Khanh kể lại một lượt chuyện đã xảy ra mới biết, khoảng 20 ngày trước, cha đã lặng lẽ ra tay “ám sát” lão vương Nam Chiếu, đồng thời đánh tráo “thi thể” lão vương. Do đó trên thực tế, Tế Cư sớm đã đăng cơ, đưa “con trai” rời Nam Chiếu, nàng luôn ở cữ trong phòng nên không biết những chuyện này.
Nhằm tránh qua tay nhiều người sẽ xảy ra sự cố nên sau khi bắt cóc Lục Nguyên Trăn, kỳ thực Tế Cư chưa đón bé về Nam Chiếu mà giấu bé ở Đại Chu, chờ đoàn đưa con tin vào kinh mới bế bé lên xe ngựa.
Bởi vậy, đúng là bé chưa trải qua nỗi khổ chịu xóc nảy.
Lúc này, Nguyên Tứ Nhàn cuối cùng mới hiểu vì sao Lục Thời Khanh đặt tên cho bé là “Trăn”. Ban đầu nàng cứ tưởng chữ “Trăn” ấy mang nghĩa “hoàn mỹ”, hi vọng sau này con trai văn võ song toàn, nhân phẩm và tài học song tuyệt. Nhưng hóa ra không phải.
Trước khi diễn đạt ý “hoàn mỹ”, ban đầu chữ “Trăn” mang ý “đi đến”.
Y đang chờ con sớm quay về.
Không tổ chức tiệc lưu thương, không tổ chức tiệc đầy tháng, là vì y không muốn để người khác có cơ hội nhìn thấy đứa bé thay thế Nguyên Trăn, không muốn tạo nên bất kỳ điều trách móc nào cho Nguyên Trăn, cũng không muốn bất cứ thứ gì thuộc về Nguyên Trăn rơi vào tay người khác.
Một người trông lạnh lùng như Lục Thời Khanh lại là một người cha bảo vệ con tới cực điểm.
Nếu là hai năm trước, Nguyên Tứ Nhàn chắc chắn không tin nổi điều khó bề tưởng tượng này.
Lục Thời Khanh không nuốt lời, nói ba ngày chính là ba ngày.
Hoàng hôn ngày thứ ba, Nguyên Tứ Nhàn đợi trước cổng phủ như hòn vọng phu, cuối cùng chờ được y xuống xe ngựa, bế theo một bọc tã màu vàng óng, bên trong là một bé trai đang say ngủ.
Nàng vội chạy tới, thấy con, sóng lòng nàng trào dâng suýt rơi lệ.
Một tay Lục Thời Khanh bế con, một tay ôm nàng đi vào:
– Đừng khóc, lãng phí nước, không phải nàng luôn muốn cho Nguyên Trăn bú sao? Nè, muốn cho bú bao nhiêu thì cho.
Nguyên Tứ Nhàn vốn rất muốn khóc nhưng bị y nói làm bật cười hết khóc, véo mạnh vào eo y.
Đôi phu thê vẫn chưa biết nên nói thế nào với Tuyên thị về chuyện này, trước tiên lén bế Lục Nguyên Trăn đã ngủ vào phòng, sau đó mời đại phu tới, xác nhận bé vẫn mạnh khỏe tốt đẹp, mấy ngày qua luôn được ăn uống tốt thì mới có thể yên tâm.
Đại phu đi rồi, Nguyên Tứ Nhàn mới nhớ tới lời nhắc của Lục Thời Khanh, nguyện vọng ấp ủ đã lâu trong lòng trở nên mãnh liệt, nàng gấp gáp muốn cho Nguyên Trăn bú.
Kỳ thực sữa của nàng không ít. Trước đó Lục Thời Khanh nói cơ thể nàng không đủ sữa đều là lời dọa người. Nếu không nhờ Nguyên Thù đầu be bé mà sức ăn kinh người, cách một canh giờ là đòi bú thì e là nàng đã bị căng sữa tới phát điên mất.
Dù vậy, nàng vẫn bị căng sữa khó chịu mấy lần. Lúc đó nàng đã mơ hồ đoán được đứa bé không phải Nguyên Trăn nên không đòi cho bé bú sữa dư mà tự mình vắt bớt.
Lục Thời Khanh ngày ngày ở bên nàng một tấc không rời, nàng vừa khó chịu là y nhận ra ngay, đương nhiên tận tụy giúp đỡ nàng. Ban đầu y dùng tay, sau đó thấy lãng phí bèn đổi sang dùng miệng.
Nguyên Tứ Nhàn nhớ lại, kẻ làm cha này đúng là cướp đồ ăn của con trai cả tháng.
Nay Nguyên Trăn đã về, nàng phải bồi thường cho bé thật tốt mới được.
Nguyên Tứ Nhàn vén vạt áo, quen thuộc bế con vừa tỉnh ngủ, chuẩn bị cho con bú.
Lục Thời Khanh ngồi ở mạn giường, nhìn chằm chằm nàng không chớp mắt, thấy con trai quay đầu đi không muốn ăn, y nói:
– Có lẽ nó mới ăn no, lát nữa hãy cho bú.
Dứt lời, y bổ sung:
– Nếu nàng khó chịu thì để ta.
Ai cho y số hưởng mà bày đặt.
Nguyên Tứ Nhàn lườm y, kiên trì cho Nguyên Trăn bú.
Chuyện này thực không phải nàng bá đạo mà là nàng sợ, sợ con trai vừa ra đời đã không ở bên mình, sau khi xa cách một tháng, bé sẽ không còn thân với nàng nữa.
Nàng thấp thỏm dỗ Nguyên Trăn, dỗ cả buổi bé mới quay đầu qua bú.
Nguyên Tứ Nhàn vui vẻ, đang định nở nụ cười lấp lánh hào quang người mẹ thì không ngờ sau khi bú mạnh nàng một hơi, bé chợt buông ra, quay đầu.
“Phụt”, sữa văng tung tóe, bắn thẳng vào mặt Lục Thời Khanh cận kề…
Kẻ đầu têu Lục Nguyên Trăn tránh né kịp thời, không mảy may ảnh hưởng, nhìn cha mặt đầy bọt trắng rồi nhìn mẹ sững sờ tại chỗ thì cười khúc khích rất ư là khoái chí.
Hồi lâu, Lục Thời Khanh đưa tay lau mặt, nuốt khan rồi nói:
– Lần này là con ruột không sai vào đâu được.
Đoạn kịch nhỏ:
Nguyên Trăn: mượn sữa hiến Phật, papa thích quà ra mắt của con chứ?
Đoạn Nguyên Trăn bú sữa nhưng không uống này thực ra là mẹ tui kể chuyện xấu của tui hồi nhỏ…
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông
Chương 103
Chương 103