TopTruyenHayNhat.Com

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Tầm Mộng Thái Hồ: Túy Cô Tô
Chương 9: Ngô nông nhuyễn ngữ [*]

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.



Vương đại nhân thương lượng xong với Lý lão gia, cuối cùng quyết định sẽ mua lại tòa phủ trạch sát vách với Lý phủ. 

Theo lý mà nói, Tri phủ đại nhân là được cấp một phủ riêng, nhưng tiêu chuẩn của Tri phủ tất nhiên thua xa Hộ bộ Thượng thư, Vương đại nhân sợ con gái không thích ứng được, mà chờ sửa sang lại phủ Tri phủ có sẵn thì cũng phải mất không ít thời gian. Vừa lúc đó, Lý lão gia liền đưa ra chủ ý nhượng lại tòa đại trạch kề bên cho ông. Vương đại nhân cũng cảm thấy nơi này rất tốt, tòa nhà vừa được tu sửa lại, lại kề bên Thái Hồ, cảnh trí thanh nhã như trong tranh thủy mặc, quan trọng là có lối thông sang Lý phủ, nữ nhi thấy buồn cũng có thể bầu bạn cùng tứ cô cô. Vì thế, ông liền đồng ý.

Từ đó, bên bờ Thái Hồ, có một Vương phủ cạnh bên Lý phủ. Tòa đại trạch ấy, sau này chính là nơi lưu giữ ký ức những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ nhất của Vương Dao Dao. 

Đối với việc này, người vui mừng nhất là Vương nhị cô nương, mà người rầu lo nhất, tất nhiên là Vương đại cô nương. 

Theo ý của nàng, cách Lý Quân Ngọc xa càng nào thì tốt chừng nấy. Đã ở cùng một thành Tô Châu là rất rất nguy hiểm rồi, lại còn ở sát vách nhau, thật khiến người ta lo ngại. Nhưng mà, phản đối của nàng đương nhiên không có hiệu quả. 

Vương Dao Dao hồn nhiên chẳng hiểu tại vì sao đại tỷ lại ưu sầu rầu rĩ, cũng quên sạch mấy lời đe dọa của tỷ tỷ về nhị biểu ca. Tiểu cô nương mỗi ngày đều chạy sang Lý phủ tìm tứ cô cô và nhị biểu ca. Tứ cô cô rất yêu thích nàng, lần nào cũng chuẩn bị thật nhiều điểm tâm cho nàng. Nhưng Vương nhị cô nương thích nhất vẫn là biểu ca, trù nghệ của biểu ca còn hơn xa đầu bếp trong Vương phủ, món ăn làm ra vô cùng tinh tế, luôn luôn hợp khẩu vị của nàng. Dần dần, nàng phát hiện ra biểu ca quả là toàn năng, chẳng những nấu ăn ngon, trà do chính tay chàng xao và pha thì vị cũng thanh hơn người khác, tài cầm kỳ thi họa đều là nhất tuyệt, còn có thể điều chế hương liệu. Nói tóm lại, ngoại trừ múa đao lộng kiếm, cái gì biểu ca cũng làm được. 

Cứ thế sống giữa mộng cảnh Cô Tô, tháng năm tĩnh lặng, tuế nguyệt chầm chậm trôi. Thấm thoát cũng đã là năm thứ hai Vương Dao Dao ở Tô Châu, lại một mùa sen nở rộ phủ đầy mặt Thái Hồ. 

Lại nói, ở Tô Châu cái gì cũng tốt, chỉ có trở ngại duy nhất là phương ngôn. Vương Dao Dao đã ở đây hơn một năm, nhưng chỉ có thể miễn cưỡng mơ hồ hiểu những gì mọi người xung quanh nói. Tiểu cô nương bèn rầu rĩ mỗi ngày đi tìm biểu ca học tiếng Tô Châu. 

Chỗ mà biểu ca ở tên là Cầm Vận cư, trùng hợp cũng rất gần Lưu Thủy viện của Vương Dao Dao trong Vương phủ. Thường ngày nàng nằm ở bên đây vẫn có thể nghe tiếng đàn dịu dặt vọng lại từ bên ấy, đoan chắc là biểu ca đang đàn. 

Hôm nay, Vương Dao Dao vẫn là nương theo tiếng đàn mà bước vào Cầm Vận cư. Đưa mắt nhìn, chỉ thấy biểu ca đang ngồi dưới ánh trăng bàng bạc mông lung, tay miết nhẹ trên bảy dây đàn. Từ đôi tay trắng như ngọc, những thanh âm du dương khoan nhặt vang lên. 

Người ta nói rằng, cổ cầm có bảy dây, lại hết sáu dây buồn, chỉ có một dây vui. Chính vì thế, thanh âm của cổ cầm luôn trầm lắng trĩu nặng. Nếu cổ tranh là suối chảy róc rách, cổ cầm là biển cuộn sóng trào. Nếu cổ tranh là mưa rơi tí tách, cổ cầm là phong ba bão táp. Nếu cổ tranh là thanh âm trong trẻo khiến người ta chợt buồn chợt vui, cổ cầm lại là thanh âm trầm đục có thể khiến tâm hồn người ta tĩnh lặng như mặt hồ, rồi lại có thể khuấy động mặt hồ phẳng lặng ấy trong phút chốc. 

Thông qua tiếng đàn, có thể nghe thấy tiếng lòng của cầm sư. 

Cũng như lúc này, Vương Dao Dao tuy không hiểu nhiều về cầm khúc, vẫn có thể nghe ra biểu ca đang có tâm sự. 

Biểu ca trông thấy nàng, bỏ dở khúc nhạc, mỉm cười khẽ nói:

“Miên nhi, qua đây.”

Vương Dao Dao dần dần cũng nghe hiểu được, vì thế biểu ca cũng không nói theo khẩu ngữ kinh thành nữa. Câu này chàng dùng phương ngôn Tô Châu để nói, nghe mười phần nhu mỹ, cứ như lời thì thầm khe khẽ bên tai.

Vương Dao Dao bước tới ngồi xuống bên cạnh biểu ca. Chàng đưa tay nhấc lên ấm trà trên bàn, rót ra hai cốc,  nhưng không phải một lượt rót đầy mỗi cốc, mà là tuần tự rót ra mỗi cốc một ít, cứ thay phiên như thế cho đến khi đầy. Vương Dao Dao từng hỏi biểu ca tại sao phải vất vả như vậy, sau đó mới biết đó là cách để trà ở các cốc đều màu. Tất nhiên, trong mắt tục nhân như nàng thì chỉ cảm thấy rắc rối phức tạp. Có điều, ngắm nhìn biểu ca trong lúc pha trà cũng là một thú vui tao nhã. 

Lý Quân Ngọc rót trà xong, ngẩng đầu lên lại thấy tiểu cô nương đang ngây ngẩn nhìn mình, buồn cười hỏi:

“Muội đang nhìn gì thế?”

Vương Dao Dao rất thành thật đáp:

“Tất nhiên là nhìn biểu ca rồi. Lúc còn ở kinh thành, mọi người đều nói rằng Thế tử gia của Trấn Bắc vương phủ là kinh thành đệ nhất mỹ nam. Theo muội thấy, vị Thế tử gia này gặp biểu ca nhất định cũng phải hổ thẹn.”

Bàn tay đang cầm cốc trà của Lý Quân Ngọc thoáng run lên một cái, trà sánh lên đổ ra ngoài.

Chàng rũ mi, cúi đầu rót cốc trà khác, nhàn nhạt nói:

“Miên nhi chưa từng gặp ngài ấy, làm sao biết được chứ?”

Lý Quân Ngọc chưa bao giờ là người tự ti, nhưng không thể không thừa nhận, Dương Húc Minh thật sự có vẻ ngoài rất xuất chúng. Diện mạo xuất chúng ấy, thêm vào quý khí và ngạo khí từ trong xương cốt, hắn đi đến nơi nào cũng là tâm điểm của mọi sự chú ý, trở thành ánh mặt trời rực rỡ nhất, rực rỡ tới mức lu mờ vạn vật xung quanh. Mà Lý Quân Ngọc, vừa khéo chỉ là một vầng trăng bị thứ ánh sáng đó làm lu mờ đi. Cũng giống như đặt một đóa mẫu đơn đỏ rực kiêu sa bên cạnh hoa lê trắng muốt thanh nhã, người ta luôn sẽ nhìn mẫu đơn trước, sau đó mới phát hiện ra hoa lê bên cạnh. 

Tạo hóa vốn chưa bao giờ công bằng.

Vương Dao Dao không hiểu tại sao biểu ca lại đột nhiên không vui, liền nhích người lại gần, ôm tay áo chàng, hỏi:

“Biểu ca giận rồi sao?”

“Không có, biểu ca sao lại giận chứ.” Lý Quân Ngọc xoa xoa đầu nàng, khẽ nói.

Vương Dao Dao thuận thế chơi xấu, liền gối đầu lên chân biểu ca, cười hì hì bảo:

“Vậy biểu ca hát cho muội nghe đi!”

Từ lúc khám phá ra biểu ca nhà mình có thể hát, hơn nữa còn hát rất êm tai, tiểu cô nương lại thêm một trò vòi vĩnh mới, chính là làm nũng đòi biểu ca hát. 

Lý Quân Ngọc xưa nay rất ít khi từ chối tiểu biểu muội, chỉ nhẹ cốc lên trán nàng một cái, đoạn lại đặt tay lên đàn, so dây, bắt đầu đàn một khúc.

Vương Dao Dao tuy nghe không hiểu, nhưng cũng cảm thấy đây là một khúc rất buồn. Trong từng tiếng nhạc đều là một nỗi hoài niệm da diết, như tiếc nuối về một điều gì đó xa xăm lắm.

Biểu ca khe khẽ cất tiếng hát, giọng Tô Châu mềm nhẹ như gió nhè nhẹ luồn qua khe cửa:

“Cô Tô thành ngoại đệ kỷ xuân 

Tiện dạ lai hồ thượng tòng tương vấn 

Trường châu uyển lục đáo hà môn 

Na gia vân lâu giai vương tôn 

Lục triêu bích đài tán tác trần 

Thặng cửu trọng môn lý vạn cổ lãnh 

Nhất triêu sơn thủy, nhất triêu thần 

Nhất phiến viên lâm, nhất phiến thanh.

... 

Hí đài do ngọa mỹ linh nhân 

Nhiên thiên dĩ luân tác na địa phần 

Kinh mộng du viên hỉ tương phùng 

Khúc bãi duy khủng thị mộng trung 

Bỉnh chúc liêu phiên trần niên sự 

Tái ly biệt phúc thủ nhị tam ngôn 

Bất kiến vương hầu chích kiến quân 

Lai niên Cô Tô thành.” [1]

Ánh trăng dịu nhẹ mông lung, Vương Dao Dao gối đầu lên chân biểu ca, nghe mùi hương hoa quế thoang thoảng trên người chàng, nghe gió đêm nhè nhẹ mơn man trên da thịt, nghe tiếng hát êm ái tựa lời ru. 

Đột nhiên hiểu ra thế nào là “Ngô nông nhuyễn ngữ”.

Đột nhiên hiểu vì sao Tô Châu được mệnh danh là ôn nhu hương trong thiên hạ.

Nếu cả đời có thể mãi mãi bình yên như khoảnh khắc này, ai mong muốn tỉnh mộng?

Lúc Lý Quân Ngọc hát xong khúc nhạc, cúi đầu nhìn xuống, chỉ thấy biểu muội đã ngủ thiếp đi từ khi nào.

Chàng khẽ cười, lắc lắc đầu, đoạn cởi trường bào ra, khoác lên người nàng. 

Đêm mỗi lúc một sâu, vạn vật chìm vào yên tĩnh, chỉ còn tiếng côn trùng rả rích, hòa cùng tiếng mái chèo khua nước trên Thái Hồ.

--- ---------♡--- ---------

*Chú thích:

[*] Ngô nông nhuyễn ngữ: “Ngô nông” có nghĩa là người Ngô, “nhuyễn ngữ” là lời nói mềm mại, uyển chuyển, hay còn gọi là “Ngô nông tế ngữ”, “Ngô nông kiều ngữ”, dùng để hình dung phương ngôn của vùng Tô Châu, Thượng Hải, là bộ phận phương ngôn mềm mại uyển chuyển hơn các vùng nói tiếng Ngô khác, giọng nữ thì nghe ngọt ngào linh tú, giọng nam thì nho nhã nhu mỹ. Tuy nhiên, phương ngôn Tô Châu được liệt vào phương ngôn khó thứ ba của Trung Quốc, chỉ sau tiếng Ôn Châu và tiếng Quảng Đông. 

[1] Một đoạn trong bài “Cô Tô thành”, mình tạm dịch thoáng nghĩa thôi, thật ra là cũng không hiểu rõ lắm. =)))

“Ngoài thành Cô Tô đã mấy xuân?

Đêm qua trên hồ cùng thăm hỏi

Trường châu uyển lục đến nơi nao?

Vương tôn ở Vân lâu nhà ai?

Lục triêu bích đài tan thành bụi

Chỉ còn cái lạnh vạn cổ trong Cửu Trọng môn

Một triều non nước, một triều thần,

Một mảnh lâm viên, một mảnh thanh.

...

Trên đài còn thoáng gặp mỹ nhân

Bỗng chốc đã hóa ra mộ phần

Trong mộng dạo vườn mừng tương phùng

Khúc tàn chỉ sợ mình đang mơ

Cầm đuốc ôn lại chuyện năm cũ

Ly biệt vẫy tay đôi ba lời

Chẳng gặp vương hầu, chỉ thấy người

Hẹn Cô Tô thành năm sau.”

Các bạn có thể nghe bài hát này ở đây, trong này là phương ngôn Tô Châu:

Trong MV có cả Lương – Chúc vì Lương Sơn Bá là người Cối Kê, mà Cối Kê là Tô Châu. =) 

@Tác giả: Cho các bạn có hứng thú muốn biết phương ngôn của biểu ca nghe như nào. =)))

Khi nói nó sẽ như này:

Khi hát nghe như bài “Cô Tô thành” phía trên.

Không hiểu vì sao mỗi lần nghe có cảm giác như chết chìm trong bể mật ấy. =))) Tưởng tượng ai đó dùng cái giọng này hát ru mình. =)) 

Đọc truyện chữ Full