Một ngày mùa xuân năm Thành Hóa thứ mười ba, Vương Dao Dao cùng biểu ca rời khỏi Tô thành.
Ngồi trên chiếc xe ngựa xa hoa lộng lẫy, nàng đưa tay vén lên rèm cửa, ngoái đầu nhìn lại. Bây giờ đương độ xuân phân, hoa đào lả tả bay đầy trời, rất giống ngày nàng thành thân cùng biểu ca.
Thế rồi, Tô thành xa dần, xa dần, cuối cùng khuất bóng.
Biểu ca ôm nàng vào lòng, xoa xoa đầu nàng, khẽ nói:
"Đừng buồn, chúng ta sẽ còn quay về."
Nàng gật gật đầu, tựa vào lòng chàng, cuối cùng ngủ thiếp đi.
Ngày ấy rời Tô thành còn phu thê ân ái, nào ai ngờ rằng, đến lúc quay trở lại, đã đồng sàng dị mộng, lấy chết đoạn tuyệt.
..........
Sau khi đến kinh thành, Vương Dao Dao đã có thai được bốn tháng, bụng dần dần to lên. Biểu ca vốn đã cưng chiều nàng, bấy giờ càng sủng như châu như bảo, quả thực là nâng trong tay sợ vỡ, ngậm trong miệng sợ tan. Tuy chàng đã là Thượng thư đại nhân, ngày bận trăm công ngàn việc, vẫn chăm sóc nàng từng li từng tí, không dám lơ là dù chỉ một chút.
Những ngày này, Vương Dao Dao thường ngủ nhiều, cả ngày chỉ hết ăn rồi lại ngủ, vẫn bị đứa bé trong bụng hành hạ đến khốn đốn, không ăn uống được gì, gầy đi thấy rõ. Biểu ca đau lòng, chỉ cần nàng muốn ăn gì, chàng đều tự tay làm lấy, dụng tâm tỉ mỉ mà nấu cho nàng. Nàng mang thai mệt mỏi, thường hay gắt gỏng bướng bỉnh, biểu ca vẫn một mực dịu dàng với nàng, yêu chiều vô cùng. Có lần, nàng ngã bệnh, không thể ra ngoài gặp gió, nhưng lại nằng nặc đòi ngắm sao. Biểu ca chiều nàng, tự tay đi bắt một trăm con đom đóm, treo trước đầu giường nàng, dỗ nàng vui vẻ. Gia đinh trong phủ thầm nói, cho dù phu nhân muốn hái sao trên trời, lão gia cũng hái xuống cho nàng chơi. Yêu chiều thê tử đến mức ấy, xưa nay vốn hiếm có. Vô số thiên kim tiểu thư ở kinh thành ghen tị đỏ mắt, chỉ mong được gả cho chàng, dù làm thiếp cũng cam lòng.
Về việc này, Vương Dao Dao chẳng mảy may hay biết, chỉ chú tâm dưỡng thai.
Ngày đó, như thường ngày, nàng nằm dật dựa trong lòng biểu ca, miệng nhai nhóp nhép bánh hoa quế do chính tay chàng vừa làm xong buổi sáng. Trên đài đang diễn vở "Tây sương ký" [1], nàng Thôi Oanh Oanh đương tình tự cùng Trương Quân Thuỵ, Vương Dao Dao lại chẳng mấy chú tâm.
Biểu ca xoa nhẹ lên cái bụng hơi nhô lên của nàng, mắt thấy trên đĩa vẫn còn nhiều xâu kẹo hồ lô, chàng khẽ cười, hỏi:
"Miên nhi không ăn kẹo hồ lồ nữa sao? Không phải trước kia nàng rất thích món này à?"
Chàng vốn không cho phép nàng ăn món này, nào ngờ Dương Húc Minh đưa nàng đi ăn một lần, từ đó nàng luôn nhớ mãi không quên. Chàng thầm nghĩ, cấm cản chỉ khiến nàng càng hứng thú, liền tự tay làm kẹo hồ lô cho nàng ăn thỏa thích, ít nhất vẫn tốt hơn để nàng ra ngoài lén ăn, vừa không sạch sẽ, vừa không kiểm soát được.
Vương Dao Dao lắc lắc đầu, nói:
"Trước kia quả thực là cảm thấy nó rất ngon. Nhưng mấy hôm nay chàng ngày ngày đều làm cho ta ăn, ta lại nhận ra kẹo hồ lô này chẳng thể sánh bằng bánh hoa quế. Bánh hoa quế biểu ca làm vẫn là ngon nhất!"
Biểu ca cong cong khóe môi, nhẹ nhéo chóp mũi nàng một cái, nói:
"Phu nhân thật là khó hầu hạ, thôi được, vậy sau này vi phu không làm kẹo hồ lô nữa."
Nàng dẩu môi, hờn dỗi bảo:
"Đều do con của chàng đó, còn chưa ra đời, đã học theo thói xấu của cha nó, cả ngày chỉ biết bắt nạt ta!"
Biểu ca bật cười, nói:
"Được, được, vậy Nhuận Chi giúp phu nhân dạy dỗ đứa trẻ này nhé."
Dứt lời, chàng vươn tay muốn chạm vào bụng nàng, đã thấy Vương Dao Dao lập tức che bụng lại, nói:
"Chàng không được đánh con của ta đó!"
Đứa trẻ này chưa ra đời, đã chiếm hết sự chú ý của nàng, Lý Quân Ngọc có chút không vui. Chàng vốn lãnh tình, không thích trẻ con, muốn sinh đứa bé này ra chẳng qua chỉ để ràng buộc nàng bên mình thôi, bây giờ linh cảm thấy đứa con này sẽ giành mất thê tử của mình, chàng càng không mấy thích nó. Nhưng mà, nếu để lộ suy nghĩ ra ngoài, thì đó đã không phải là Lý Quân Ngọc. Chàng rất mực từ ái xoa xoa bụng nàng, nói:
"Được rồi, không ai bắt nạt con của nàng. Miên nhi xem kịch tiếp đi. Còn nhớ lúc nhỏ nàng thích nhất vở "Tây sương ký" này, mỗi lần có gánh hát đến phủ, nàng đều bảo họ hát "Tây sương ký". Sao bây giờ lại chẳng màng nghe hát?"
Vương Dao Dao phụng phịu, bảo:
"Miên nhi không thích vở kịch này nữa! Không thích nữa rồi! Lúc nhỏ xem người ta diễn "Tây sương ký", chỉ biết rằng Thôi Oanh Oanh cùng Trương Quân Thụy rốt cuộc cũng nên duyên viên mãn. Sau này đọc qua "Hội Chân ký" [2], mới biết Thôi – Trương cuối cùng có duyên không phận, nửa đường đứt gánh, chàng theo đường chàng lấy vợ, nàng theo đường nàng lấy chồng... Vậy thì kết cục đoàn viên của "Tây sương ký", chẳng phải là lừa người hay sao?"
Lý Quân Ngọc khẽ cười, nhấc lên ấm trà, vừa rót trà ra cốc, vừa nói:
"Đôi khi lừa người, còn tốt hơn để người ta đau lòng sầu muộn."
Nàng lắc lắc đầu, nói:
"Ta tuy ngốc, nhưng không tha thứ cho người khác lừa mình. Ta muốn là thành thật, không phải là sự bảo vệ trong dối trá."
Bàn tay của Lý Quân Ngọc thoáng run lên, nước trà sóng sánh tràn ra ngoài.
"Biểu ca, chàng làm sao vậy?" Vương Dao Dao lo lắng hỏi.
Chàng cười cười, nói:
"Không có gì, ta chỉ đang nghĩ, bốn chữ môn đăng hộ đối này, xưa nay hại người không ít."
Ngày hôm ấy, Vương Dao Dao tựa đầu vào lòng chàng, ngủ thiếp đi.
Trên hí đài, Trương Quân Thụy vừa tỉnh giấc, hát rằng:
"Trời ơi! Thì ra một giấc mộng lớn! Hãy mở cửa ra coi nào! Chỉ thấy sương mù đầy đất, mây mỏng ngang trời, trăng bàng bạc chưa tàn, sao mai mới mọc..."
Bên hiên nhà, phong linh nhè nhẹ đong đưa theo gió.
Mộng đẹp ngắn chẳng tày gang.
.............
Buổi sáng hôm đó, biểu ca vào triều, Vương Dao Dao đang nằm hóng mát ngoài hiên.
Hạ Trúc mang lên một đĩa dưa hấu, nói:
"Bẩm tiểu thư, đây là dưa hấu ướp băng, tiểu thư ăn cho mát."
Vương Dao Dao mỉm cười, đưa tay nhón một miếng, khen:
"Quả thực là mát lạnh vô cùng! Mùa này trời nóng, băng từ đâu ra vậy?"
Hạ Trúc mỉm cười, đáp:
"Băng này là cô gia tốn trăm ngàn lượng sai người đến phía Bắc vận chuyển về đây, giữ trong hầm băng để dành ướp hoa quả cho tiểu thư. Nô tỳ trộm nghe, bình thường chỉ có trong cung mới có thể dùng băng xa xỉ như vậy, cô gia quả thực rất tốt với tiểu thư."
Nàng gật gật đầu, nói:
"Biểu ca thật sự rất tốt với ta."
Hạ Trúc ngập ngừng một lúc, chợt quỳ xuống, nói:
"Tiểu thư, nô tỳ mạo muội nhiều lời, xin tiểu thư thứ tội. Cô gia rất tốt với tiểu thư, nhưng nô tỳ thấy, tiểu thư lại không quan tâm nhiều đến ngài ấy. Ở các phủ khác, khi phu nhân có thai, thân thể bất tiện, đều sắp xếp nha hoàn thông phòng thay mình hầu hạ trượng phu. Cô gia yêu thương tiểu thư, tất nhiên không thể nói ra lời này. Nhưng mà, đó là phụ đạo, không thể không tuân..."
Thông thường, những lời này nên là mẫu thân dạy dỗ con gái. Nhưng Vương Dao Dao sớm mất mẹ, không ai nói với nàng những quy lệ sau khi xuất giá. Bấy giờ, nàng mới biết còn có việc như vậy. Tuy rằng nàng không hiểu lắm cần nha hoàn thông phòng để làm gì, nhưng cũng rất khảng khái nói:
"Thì ra ngươi muốn làm thông phòng của biểu ca, vậy để tối nay ta nói với chàng một tiếng là được rồi."
Hạ Trúc vui mừng nói:
"Tạ ơn tiểu thư thành toàn."
..........
Tối hôm ấy, biểu ca trở về phủ. Sau khi tắm xong, chàng bước vào phòng, mái tóc còn ướt nước buông xõa sau lưng. Chàng nhẹ ôm lấy nàng từ phía sau, cười hỏi:
"Miên nhi hôm nay ở nhà có ngoan không?"
Nàng bĩu môi, bảo:
"Ta đâu phải là trẻ con!"
"Nàng đó, khiến người ta còn lo lắng hơn trẻ con." Chàng than nhẹ một tiếng.
Vương Dao Dao không để ý đến vẻ trầm tư của chàng, lúc này lại hớn hở cầm lược chải tóc cho chàng. Tất nhiên, mục đích chính của nàng chỉ là nghịch mái tóc dài như thác của chàng.
Bất chợt, nàng nhớ tới lời của Hạ Trúc, liền thuận miệng nói:
"Biểu ca, hay là để Hạ Trúc làm thông phòng của chàng nhé?"
Nụ cười như gió xuân luôn thường trực bên môi của chàng tắt ngấm. Chàng quay lại, giọng lạnh đi ba phần, khẽ hỏi:
"Ai nói với nàng những lời này?"
Vương Dao Dao bị dọa sợ, lắp bắp đáp:
"Là... Là Hạ Trúc..."
..........
*Chú thích:
[1] Tây sương ký (chữ Hán: 西廂記, "truyện ký mái Tây"), còn có tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký (崔鶯鶯待月西廂記, "truyện về Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây"), là vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông, miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của nàng Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy. Thôi Oanh Oanh là tiểu thư con tướng quốc, còn Trương Quân Thụy chỉ là thư sinh nghèo. Họ tình cờ gặp gỡ và có tình ý với nhau, nhưng Thôi phu nhân không muốn gả con gái cho họ Trương. Sau, Trương – Thôi âm thầm lén lút qua lại như vợ chồng, Thôi phu nhân biết chuyện, hứa khi nào Quân Thụy đỗ đạt mới gả con gái cho. Quân Thụy thi đỗ trạng nguyên, vâng lệnh triều đình lưu lại kinh đô làm quan. Oanh Oanh vui mừng khôn xiết và mong ước tái ngộ. Nhưng Trịnh Hằng lại phao tin Quân Thụy đã lấy vợ khác. Thôi phu nhân định cho Trịnh Hằng cưới Oanh Oanh, nhưng Quân Thụy về kịp, nhờ tướng quân Đỗ Xác phân giải. Đỗ Xác đứng ra làm chủ hôn cho Quân Thụy và Oanh Oanh.
[2] "Hội Chân ký" là lam bản của "Tây Sương ký". Người viết truyện Hội Chân là Nguyên Vi Chi, một thi sĩ tề danh và là bạn thân với Bạch Lạc Thiên đời Đường. Trong truyện chép sự gặp gỡ của Trương Quân Thuỵ cùng Thôi Oanh Oanh. Nhưng người đời sau, bằng vào các thơ từ, các bia văn của họ Nguyên cùng của những danh sĩ cùng thời đó, thì vai Quân Thuỵ chẳng phải là ai, mà lại chính là Nguyên Vi Chi. Vậy thì "Hội Chân ký" chỉ là Vi Chi ghi lại một chuyện tình của mình trong lúc thiếu thời. Sở dĩ phải mượn tên người khác, chỉ là vì trong chuyện có một đôi điều bất đạo đức mà người viết không tiện tự nhận mà thôi. Theo vào "Hội Chân ký" họ Vương viết vở Tây Sương Ký. Hai chuyện khác nhau nhất là ở đoạn cuối; Hội Chân thì kết quả là ly biệt, mà Tây Sương Ký kết quả là đoàn viên (thêm 4 chương cuối cùng).
..........
@Tác giả: Sắp ngược rồi, hãy kiên nhẫn.:v
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Tầm Mộng Thái Hồ: Túy Cô Tô
Chương 52: Tiền trần như mộng 13
Chương 52: Tiền trần như mộng 13