Đến khi tuyết tan, cành liễu đâm chồi, khí trời vừa trở nên ấm áp, Cơ Tự liền nhận được tin tức huynh đệ Chu thị đã rời khỏi huyện Kinh. Sau khi họ đi rồi, việc giữa Cơ Tự và Chu Ngọc không hề có hôn ước cũng theo đó mà truyền khắp Kinh Châu. Chỉ trong một đêm, người Cơ phủ liền nhận ra tình cảnh ngày càng khó khăn của mình. Không nói đến Cơ Tự, ngay cả tỳ phụ trong nhà ra ngoài mua mấy lượng muối cũng bị người ta cố ý làm khó. Mà đây mới chỉ là bắt đầu thôi.
Có một hôm, Cơ Tự bỗng phát hiện bên ngoài tường rào trang viên nhà mình xuất hiện rất nhiều dấu chân quái lạ. Nàng lập tức nghĩ đến những đại tộc ở Kinh Châu mà mình từng đắc tội, tuy Tạ Lang đã cảnh cáo họ không được gây phiền hà cho nàng, nhưng giờ người đi trà lạnh, Tạ Lang đã rời khỏi Kinh Châu lâu như vậy, những người kia lại cố ý che giấu hành động, làm sao mà chàng tra ra được?
Cơ Tự lại nghĩ đến chuyện hồng tai dẫn đến nạn đói khắp Kinh Châu hai năm liền, cuối cùng quyết định cấp tốc dời nhà đến Kiến Khang. Mọi người trong nhà đều muốn bán chỗ đất đai ở huyện Thanh Thủy và cửa hàng ở huyện Khúc Thủy đi, cầm theo vàng bạc cho chắc. Nhưng Cơ Tự nghĩ ngợi một hồi xong lại bác bỏ. Cơ Tự nói, từ huyện Kinh đến Kiến Khang nghìn dặm xa xôi, hiện nay thổ phỉ nhan nhản, mang toàn bộ tài sản trên người thì không ổn.
Cuối cùng nàng quyết định, tất cả sản nghiệp đều giữ nguyên đấy, trang viên cũng để lại, chỉ mang theo nhóm bộ khúc, tỳ phụ, Nguyệt Hồng, Lê thúc, Tôn Phù, Dữ Trầm lên đường đến Kiến Khang thôi.
Trước khi đi, Cơ Tự nói với những tá điền, về sau Kinh Châu có thể sẽ gặp thiên tai, bảo họ thu hoạch lúa thì cất cả lại mà dùng, cũng căn dặn họ, bất kể là tình huống nào cũng không được chứa chấp người ngoài trong trang viên nhà mình.
Khi nàng xuất hành là vào tiết tháng tư, Cơ Tự đến Kinh Châu trước, ở lại Kinh Châu mười ngày, nàng mang mấy thứ như san hô, hoặc tượng ngọc dễ vỡ trong đống châu báu của La Đại Đầu ra đổi lấy ngựa tốt. Đất Kinh Châu từ xưa đến nay là nơi binh biến giao tranh, đến thời tam quốc lại trở thành thành lũy quân sự quan trọng. Thế nên vật dụng quân gia ở nơi đây chất lượng đều tốt hơn Kiến Khang, mà ngựa chính là một trong số đó. Ngựa tốt thế này, nhưng giá bán ra ở Kinh Châu chỉ bằng một phần tư ở Kiến Khang thôi.
Cơ Tự đổi nửa xe châu báu thành tám con ngựa, lại mời người thuần ngựa đến, chỉ trong vòng vài ba ngày, bảy tám con ngựa tốt đã trông như một đám ngựa già xấu xí. Thật ra ngựa cũng được chia thành tám chín đẳng cấp, giá tiền cũng khác nhau một trời một vực. Nếu là ngựa hoang bình thường, giá cũng chỉ bằng một con lừa, nhưng nếu lên đến hàng tuấn mã, thì giá trị sẽ ngang nghìn vạn lượng vàng. Cơ Tự biến ngựa tốt thành ngựa xấu, dù không thể hoàn toàn phòng ngừa lũ đạo tặc, nhưng ít ra cũng có thể giảm bớt ánh mắt người khác dòm ngó.
Một ngày sau Cơ Tự đến được Xích Bích, chọn một con thuyền chở khách lớn nhất để đi. Sau khi an trí đám ngựa ở tầng dưới cùng, Cơ Tự và nhóm hạ nhân đều lên tầng trên như bao người khách khác.
Khoang tầng trên rất lớn, có sức chứa chừng hai trăm người khách. Cơ Tự vừa đi lên khoang thuyền đã nghe thấy tiếng cầm sắt đang hòa tấu, nàng quay lại liền thấy mười mấy sĩ tộc với phong thái ngời ngời, mũ miện đai lưng tề chỉnh.
Thấy Cơ Tự nhìn mấy sĩ tộc kia, Lê thúc kề sát tai nàng nói: “Nữ lang, tôi nghe ngóng được, mười mấy người kia đều là đại tộc đến từ đất Thục đấy ạ.”
Cơ Tự gật đầu. Đang lúc định xoay người đi thì nghe thấy giọng nói yêu kiều của một quý nữ truyền đến: “Ca ca nhà ta nói, nếu ai có thể chỉ ra sai lầm của huynh ấy, huynh ấy nhất định sẽ mang nghìn vàng ra đền...”
Cơ Tự nhếch môi, Nguyệt Hồng nén cười: “Nữ lang, nếu người chịu bộc lộ tài năng thì sẽ kiếm được nghìn vàng đấy.”
Lê thúc ở bên cạnh không hiểu, hỏi: “Nữ lang, mấy người này đang làm gì thế ạ?”
Cơ Tự khẽ cười: “Mấy người này đang gây dựng thanh thế, nói đúng hơn là họ muốn tạo ra một danh sĩ.”
Nguyệt Hồng thì thầm: “Tự tuyên truyền bản thân như vậy thật không biết xấu hổ. Nữ lang, chúng ta cách xa bọn họ ra một chút.”
Cơ Tự lắc đầu: “Ngược lại mới đúng. Nếu những người này hám danh như vậy thì chắc chắn họ sẽ tránh xa những chuyện thị phi. Kẻ lòng dạ độc ác khôn cùng trên đời này rất đông, có thể gặp được đồng bạn không màng thị phi mới là phúc của chúng ta.” Nàng quay lại ra lệnh với Tôn Phù, “Thúc cho người tìm hiểu, xem có phải bọn họ định đến Kiến Khang không. Nếu phải thì đoạn đường này chúng ta sẽ đồng hành với họ.”
“Vâng.”
Lát sau, Tôn Phù trở lại, vẻ mặt vui mừng: “Nữ lang, người đoán đúng rồi, quả nhiên họ đến Kiến Khang. Tôi mới dò ý, họ đã đáp ứng rồi.”
“Rất tốt.” Cơ Tự nhoẻn miệng cười, nàng nhìn những người khách đất Thục thực lực khá mạnh này, tâm tình nhẹ nhõm hẳn.
Cứ thế ngày lại qua ngày, nhóm Cơ Tự đã ở trên thuyền được một tháng. Một tháng nay vì có nhóm khách Thục nên trên thuyền vẫn không ngừng ca múa, Cơ Tự cũng thấy thư giãn hơn. Hôm ấy, thuyền tiến vào địa giới Dương Châu. Cơ Đạo hằng năm chỉ ru rú trong huyện Kinh, chưa từng đi đâu khác, suốt quãng đường gần như cậu cứ ngồi lỳ bên cửa sổ khoang thuyền cả ngày lẫn đêm. Nhìn mặt trời mọc rồi lặn trên sông Trường Giang, ngắm núi xanh hai bên bờ sông, bây giờ lại sắp có cơ hội thấy được Dương Châu trong truyền thuyết thì quá đỗi vui mừng.
Cơ Tự mặc nam trang đi đến mũi thuyền. Nàng đứng chung với mọi người, ngắm nhìn mặt trời đang dần lặn về phía Tây, rồi ngẩng đầu nhìn lên phía trước. Tuy phong cảnh vẫn là đồi núi chập chùng, ngay cả bóng dáng Dương Châu thế nào còn chưa thấy, nhưng ai ai cũng hưng phấn.
Trong lúc Cơ Tự mải ngắm dãy núi non hùng vĩ đến xuất thần thì bỗng từ đằng sau eo núi phía trước lao ra một chiếc thuyền lá. Người trên thuyền này hiển nhiên là cao thủ, chiếc thuyền lá trong tay y được chèo vút đến như tên bắn.
Chiếc thuyền lá nhanh chóng chèo đến bên thuyền khách lớn, từ khoảng cách rất xa người thanh niên đội đấu lạp trên thuyền đã bắt chéo tay chào, hắng giọng nói: “Xin hỏi chủ thuyền có ở đây không?”
“Có, có!” Chủ thuyền béo ú dẫn theo mấy thuyền viên vui vẻ chạy đến.
Thanh niên trên thuyền khách sáo nói: “Là thế này, chủ công nhà ta đang bố trí mai phục để tiêu diệt bọn cướp ở thủy vực phía trước. Xin chủ thuyền cập vào một vịnh gần đây.” Y nhìn thoáng qua mặt trời, nói tiếp, “Cùng lắm là sáng mai vào giờ Thìn canh ba mọi người có thể khởi hành.”
Một sĩ tộc trên thuyền cất giọng cười khẩy: “Ngươi bảo chúng ta dừng là chúng ta phải dừng à? Nực cười!”
Gần như sĩ tộc này vừa cất tiếng thì trên thuyền đã có mười mấy giọng nói đồng thời vang lên: “Khách quan xin đừng nói lung tung.”
Chủ thuyền vội vàng giải thích: “Khách quan hiểu lầm rồi, lang quân đây là có ý tốt thôi.” Nói đến đây, lão quay đầu lại, cười hềnh hệch với thanh niên trên thuyền lá, chắp tay hành lễ, “Ngay từ lúc ở Kinh Châu, tiểu nhân đã nghe nói, có một đại nhân vật đến từ Kiến Khang, dọc đường quét sạch vô số giặc cướp, cho nhóm dân đen như chúng tôi cuộc sống an bình. Hôm nay may mắn gặp được, quả thật là phúc ba đời của lão đây.”
Chủ thuyền vừa dứt câu, bỗng nhiên từ thủy vực phía trước truyền đến tiếng trống dồn dập.
“Đùng, đùng, đùng!” Tiếng trống mạnh mẽ phá tan không gian hoàng hôn yên bình, khiến cả vùng nước như sôi trào cả lên.
Lẫn trong tiếng trống là tiếng hô hào chém giết theo gió bay đến, Cơ Tự cất bước đi lên phía trước, vươn cổ nhìn ra xa.
Mắt Cơ Tự khá tinh, thấy trên vùng nước cách đó mấy trăm mét, có một con thuyền nhẹ chở một lang quân huyền y lướt qua. Dù con thuyền kia đi rất nhanh, nhưng Cơ Tự vừa nhìn đã nhận ra ngay, lang quân dáng vóc cao ráo đứng ở đuôi thuyền, dù có đeo mặt nạ nhưng vẫn tỏa sáng khiến cho người ta ngạt thở kia chính là Tạ Lang.
Thật sự không ngờ được, đến nơi đây rồi vẫn còn có thể nhìn thấy bóng dáng của chàng.
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Kiều Kiều Vô Song
Chương 30: Tái ngộ
Chương 30: Tái ngộ